Vẫn còn "đại bàng" ngoại chần chừ vào Việt Nam?


Việt Nam nằm trong top đầu thế giới về sức hút dòng vốn ngoại, song vẫn còn những nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ e ngại về thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh…

Môi trường kinh doanh tiếp tục là điểm nghẽn khiến nhiều nhà đầu tư phản ánh. 
Môi trường kinh doanh tiếp tục là điểm nghẽn khiến nhiều nhà đầu tư phản ánh. 

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2024 (VBF), ông Joseph Uddo - Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) báo tin vui, hơn một nửa thành viên của Amcham thông tin rằng họ đang kinh doanh đạt kế hoạch hoặc tốt hơn kỳ vọng. Tuy nhiên, tin không vui là vẫn còn thành viên cảm thấy môi trường kinh doanh cần được cải thiện.

Nhiều phản ánh bất cập về thủ tục hành chính

“Hành động của Chính phủ có thể giúp đất nước duy trì lợi thế cạnh tranh khi các nhà đầu tư toàn cầu tìm kiếm các điểm đến đầu tư và sản xuất trên khắp Tây bán cầu, Châu Á, Châu Phi và Châu Âu”, lãnh đạo AmCham nói.

AmCham chú trọng vào các ưu tiên của Việt Nam trong việc tháo gỡ các nút thắt trong huy động nguồn lực sản xuất và kinh doanh; giải quyết nhu cầu phát triển năng lượng và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và tái tạo; khai thác toàn bộ tiềm năng của nền kinh tế số; đảm bảo khả năng tiếp cận, khả năng chi trả và đổi mới trong ngành y tế; thúc đẩy đầu tư bền vững và tích hợp chuỗi cung ứng; phát triển khu vực tài chính trong đó có thị trường vốn; tạo ra một môi trường trong sạch.

AmCham phản ánh, Chính phủ thúc đẩy số hóa nhưng nhiều thủ tục hành chính như báo cáo, đăng ký, thông báo vẫn phải nộp bằng giấy hoặc thậm chí bằng cả hình thức giấy và điện tử.

“Yếu tố quan trọng nhất tạo nên môi trường đầu tư thuận lợi là môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, dễ dự đoán và tinh giản, coi trọng sự đổi mới để không chỉ thu hút đầu tư mới mà còn để duy trì và phát triển các dự án đầu tư hiện tại. Chúng tôi khuyến nghị tất cả luật và quy định mới nên được xem xét và hạn chế đưa ra các thủ tục hành chính mới”, ông Joseph Uddo nói.

Cuộc khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh của Hiệp hội DN Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy, với 31% thành viên xếp hạng Việt Nam trong số ba điểm đến đầu tư hàng đầu toàn cầu và hơn một nửa lên kế hoạch thúc đẩy đầu tư của Việt Nam vào năm 2023 – đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao. Sự bùng nổ đầu tư này nêu bật tính hiệu quả của FTA trong việc thu hút FDI bền vững, chất lượng cao và đưa Việt Nam trở thành điểm đến chiến lược. Đến nay, EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 6 của Việt Nam với hơn 27,8 tỷ USD được đầu tư vào 2.450 dự án trong ba thập kỷ qua, trong đó hơn 60% thuộc lĩnh vực sản xuất.

Tuy nhiên, Việt Nam phải đối mặt với những rào cản trong việc tuân thủ trọng tâm chuỗi cung ứng xanh của EU, bao gồm việc thực thi các tiêu chuẩn và quy định nghiêm ngặt hơn về môi trường. Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ xanh đòi hỏi phải đầu tư rất lớn, đồng thời đảm bảo nguồn cung ứng minh bạch, bền vững từ các nhà cung cấp địa phương có thể là một thách thức.

Trong khi đó, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam, phản ánh các DN Hàn Quốc mong muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp công nghệ cao như bán dẫn, nhưng đồng thời cũng chỉ ra rằng hiện tượng thiếu điện của Việt Nam là một trong những yếu tố lớn khiến họ chần chừ trong việc đưa ra quyết định đầu tư.

Chính phủ cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư

Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) năm 2023, “các thủ tục hành chính phức tạp như cấp giấy phép” được coi là rủi ro lớn nhất tại môi trường đầu tư của Việt Nam đối với các công ty Nhật Bản.

Vì vậy, ông Muto Shiro - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam, nhấn mạnh để thúc đẩy đổi mới, các DN Nhật Bản tin rằng cần phải tăng cường chuỗi cung ứng và cải cách thủ tục hành chính, bởi khi các công ty trong nước của Việt Nam hợp tác nhiều hơn với các công ty nước ngoài và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, điều này sẽ thúc đẩy đổi mới và chuyển đổi sang các ngành có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, các DN Nhật khuyến nghị chấm dứt tình trạng yêu cầu nhà đầu tư thực hiện những điều kiện không hợp lý hoặc nộp hồ sơ ngoài quy định của pháp luật.

Về phía các DN, ông Dominic Meichle, Tổng giám đốc Bosch tại Việt Nam, kiến nghị Chính phủ cần có quy định chống hàng giả, hàng nhái, với cơ chế thực thi hiệu quả. Ngoài ra, việc cấp phép cho các dự án điện mặt trời đang bị trì hoãn, do đó rất mong Chính phủ sẵn sàng cơ chế pháp lý đơn giản cho những nhà đầu tư lâu dài, bền vững.

Lắng nghe tất cả ý kiến của cộng đồng DN FDI, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe, chia sẻ với các đối tác, nhà đầu tư, cùng góp phần vì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển. "Tôi chưa từ chối tiếp một hiệp hội DN nào nếu như tôi có mặt tại Hà Nội", Thủ tướng khẳng định.

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị và mong muốn các DN FDI tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam về 5 yếu tố: Nguồn vốn, thể chế, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực. Đồng thời, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư nước ngoài đồng hành cùng Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững

Chính phủ Việt Nam cam kết luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước với tinh thần: "Lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ"; "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng".

"Việc hợp tác có được và chưa được nhưng quan trọng nhất là cùng nhau chia sẻ, thấu hiểu thì những vướng mắc dù lớn hay nhỏ đều có thể được giải quyết", Thủ tướng nói và đề nghị cộng đồng DN, các nhà đầu tư "đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm được".

“Kiên quyết không chấp nhận mô hình "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau"; không tăng trưởng bằng mọi giá; chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh"; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên trong và bên ngoài cho phát triển hệ sinh thái xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp, chuyển đổi năng lượng...”, Thủ tướng đánh giá.

Theo Nhật Linh/vnbusiness.vn