Vấn đề nắm bắt dư luận xã hội trong quá trình quản lý của cán bộ chủ chốt
Theo chuyên gia phân tích về quản trị truyền thông, trong điều kiện Việt Nam xây dựng nhà nước pháp quyền, nhà nước của dân, do dân và vì dân nên cần nhận thức và sử dụng có hiệu quả dư luận xã hội với tính chất như là một công cụ đặc biệt của quá trình lãnh đạo, quản lý đất nước. Hiện nay, kỹ năng nắm bắt dư luận xã hội của cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các địa phương, đặc biệt là cấp huyện cần được coi là một tiêu chuẩn cần thiết để đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý. Thậm chí, việc quan tâm, tiếp cận và nắm bắt dư luận xã hội thực chất là thước đo về mức độ “gần dân, bám sát thực tiễn” của cán bộ.
Nắm bắt dư luận xã hội trong hoạt động lãnh đạo, quản lý cấp huyện
Theo các chuyên gia về quản trị truyền thông quốc tế, sự bùng nổ của internet, mạng xã hội và các phương tiện thông tin điện tử trực tuyến ngày càng mạnh mẽ đặt ra yêu cầu cần quan tâm phù hợp và nghiên cứu kỹ lưỡng đối với dư luận xã hội nhằm phục vụ cho công tác quản lý, lãnh đạo, điều hành của đất nước.
Tại Việt Nam, trong những năm qua, vấn đề dư luận xã hội cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm, song chưa thực sự trở thành một công cụ chính thức trong hoạt động lãnh đạo, quản lý. Thực tế trong hoạt động lãnh đạo, quản lý điều hành ở Việt Nam hiện đang tồn tại hai thái cực:
Thứ nhất, cán bộ lãnh đạo quản lý, đặc biệt là cán bộ, quản lý cấp huyện đôi khi thờ ơ, vô cảm trước dư luận xã hội.
Thứ hai, đôi khi chạy theo dư luận xã hội mà không phân tích, đánh giá đúng bản chất của vấn đề. Từ đó, cán bộ quản lý không đưa ra được quyết định lãnh đạo hoặc quản lý đúng đắn, kịp thời.
Theo một số kết quả nghiên cứu của Viện Dư luận Xã hội, việc nắm bắt dư luận xã hội của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cấp huyện hiện đang được thực hiện thông qua các kênh khác nhau. Chẳng hạn, nắm bắt dư luận xã hội thông qua phản ánh của hệ thống mạng lưới cộng tác viên; qua báo cáo nhanh (thường là báo cáo hằng tuần); thông qua các cuộc họp, tiếp xúc quần chúng, cử tri; qua tiếp cận bằng sự trải nghiệm của cá nhân, nhất là dùng các phương pháp điều tra xã hội học...
Tuy nhiên, phần lớn cán bộ, quản lý chưa được đào tạo một cách bài bản về những kiến thức, kỹ năng nắm bắt dư luận xã hội, do vậy, mức độ hiểu biết về dư luận xã hội của phần lớn cán bộ đang ở mức độ bình thường. Chẳng hạn, tại 9 chỉ báo mà tác giả nghiên cứu nhằm đo lường mức độ hiểu biết của cán bộ lãnh đạo, quản lý về dư luận xã hội, phần lớn các ý kiến khẳng định có mức độ hiểu biết và kiến thức về dư luận xã hội ở mức độ bình thường, với tỷ lệ ý kiến khẳng định từ 40% đến 55,2%.
Ví dụ, 55,2% có hiểu biết ở mức độ bình thường về các yếu tố ảnh hưởng đến dư luận xã hội; các quan điểm tiếp cận về dư luận xã hội (55,0%); các kênh tiếp cận nắm bắt dư luận xã hội (54,6%)...
Trong bối cảnh hiện nay, việc cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là cấp huyện có quan tâm và có kỹ năng nắm bắt dư luận xã hội cần phải được xem là một tiêu chuẩn cần thiết để đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ.
Chỉ có 6,7% số cán bộ cho biết họ có hiểu biết tốt về giải pháp nâng cao vai trò của dư luận xã hội trong lãnh đạo, quản lý. Ngoài ra, số liệu khảo sát còn cho biết, nhiều vấn đề, nội dung liên quan đến dư luận xã hội vẫn còn có tới 10% ý kiến khẳng định: Chưa hề được tiếp cận (Bảng 1).
Trong bối cảnh hiện nay, việc cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là cấp huyện có quan tâm và có kỹ năng nắm bắt dư luận xã hội cần phải được xem là một tiêu chuẩn cần thiết để đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ. Bởi vì, quan tâm, tiếp cận và nắm bắt dư luận xã hội thực chất thước đo về mức độ “gần dân”, “bám sát thực tiễn” của cán bộ.
Không những vậy, nó còn thể hiện vấn đề dân chủ hóa, cũng như điều kiện góp phần cho các chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ngày càng đi vào cuộc sống hơn. Với tư cách là chủ thể quản lý, cán bộ quản lý cấp huyện phải thực hiện chức năng mà bất cứ người quản lý nào cũng phải làm đó là thực hiện các chức năng chỉ dẫn hoạt động như: lập kế hoạch, ra quyết định, tổ chức thực hiện quyết định và kiểm tra, kiểm soát thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch về lĩnh vực quản lý do mình phụ trách.
Cán bộ quản lý cấp huyện là người quản lý cấp trung gian, là cầu nối từ cấp Trung ương, qua tỉnh tới cấp xã, tạo nên một bộ máy lãnh đạo liên tục, nhất quán trong bộ máy hành chính. Cán bộ quản lý cấp huyện cũng góp phần triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với từng người dân và ngược lại, mọi nguyện vọng của nhân dân đều được họ tiếp thu, xử lý và phản ánh kịp thời lên cơ quan quản lý cấp trên.
Hình thành quyết định quản lý: Nhìn từ dư luận xã hội
Thực tiễn cho thấy, hoạt động lãnh đạo, quản lý cấp huyện mang tính chất rất phức tạp, chuyên biệt do chính vị trí, chức năng và điều kiện thực tiễn địa phương quy định bởi đặc điểm của đối tượng quản lý với các ngành nghề khác nhau (nông, lâm, ngư nghiệp..); các vấn đề nhân sự và nguồn nhân lực địa phương…
Trên thực tế, không một người cán bộ quản lý nào lại có thể chuẩn bị sẵn và đầy đủ các phương án để giải quyết mọi tình huống phát sinh đó. Vì vậy, đòi hỏi người cán bộ quản lý chủ chốt cấp huyện phải có sự nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán trong những hoàn cảnh cụ thể để đưa ra quyết định lãnh đạo đúng đắn, phù hợp với quy định của pháp luật.
Thực tiễn đó cũng yêu cầu người cán bộ quản lý cấp huyện phải có trình độ chuyên môn, am hiểu khoa học quản lý và có kỹ năng quản lý, biết phát huy tối đa tiềm năng vốn có của con người, khiến họ hoạt động một cách tích cực và góp phần thực hiện mục tiêu chung của toàn địa phương. Trong những kỹ năng quản lý đó, nắm bắt dư luận xã hội trong việc hình thành quyết định quản lý của cán bộ chủ chốt cấp huyện là rất cần thiết và là một trong những yếu tố mang đến thành công trong chỉ đạo, điều hành của người lãnh đạo, quản lý.
Trong thời đại bùng nổ thông tin từ mạng Internet toàn cầu, vấn đề quản lý trong lĩnh vực thông tin đại chúng ở Việt Nam đang đặt ra một cách cấp bách nhìn từ giác độ dư luận xã hội. Truyền thông tự do (facebook cá nhân, website, blog cá nhân…) là một “kiểu” dư luận xã hội thời kỹ thuật số đang phát triển và trở thành như một xu thế không thể khác được. Bên cạnh đó, trong đời sống hằng ngày ở nước ta hiện nay đã xuất hiện không ít nơi xảy ra tình trạng dư luận xã hội thờ ơ với chính quyền, không quan tâm đến các hoạt động của chính quyền, người dân hành xử kiểu đối phó với các chính sách của chính quyền.
Ngoài ra, có không ít trường hợp xuất hiện tình trạng đề cao quá mức vai trò của dư luận xã hội dẫn đến tình trạng chạy theo theo dư luận xã hội. Đa số người dân, kể cả các cấp quản lý cũng không phân biệt rõ được ranh giới giữa dư luận xã hội và tin đồn. Đã có rất nhiều trường hợp người ta đã đồng nhất chúng với nhau, khi biến tin đồn thành dư luận xã hội, tức là đã ít nhiều gây ảnh hưởng xấu đến cá nhân và tổ chức…
Theo các nhà nghiên cứu, đây chính là những trạng thái không bình thường của dư luận xã hội. Do vậy Nhà nước cần phải lường trước và đóng vai trò thực hiện chức năng xem xét, chấn chỉnh, kiện toàn… nhằm thúc đẩy tính tích cực và lành mạnh hoá sự tác động của dư luận xã hội đối với đời sống xã hội.
Theo đó, cần coi dư luận xã hội là công cụ của quản lý phát triển xã hội. Các nhà lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là cán bộ, quản lý chủ chốt cấp huyện cần phải nắm bắt dư luận xã hội, để từ đó đề xuất sáng kiến, đường lối chủ trương chính sách pháp luật cho phù hợp với nhu cầu của xã hội.
Dư luận xã hội giúp người cán bộ, lãnh đạo địa phương phát hiện những khiếm khuyết, bất cập, kẽ hở trong đường lối chính sách pháp luật, trên cơ sở đó, đưa ra những khuyến cáo với các cơ quan chức năng để bổ sung, hoàn thiện hoặc điều chỉnh. Thông qua kết quả điều tra dư luận xã hội, cán bộ quản lý sẽ biết được người dân suy nghĩ và phản ứng như thế nào trước những quyết sách hoặc những trăn trở, băn khoăn của người dân trước những vấn đề của địa phương hay của quốc gia…
Đặc biệt, việc nghiên cứu dư luận xã hội còn giúp nhà quản lý, lãnh đạo phát hiện và giải quyết các điểm nóng, giải tỏa những căng thẳng xung đột xã hội tiềm tàng. Thông qua việc tham khảo dư luận xã hội, những nhà hoạch định chính sách sẽ tìm kiếm cách trung hoà ý nguyện của người dân với những mục tiêu chính sách của Nhà nước, hoặc ít nhất họ cũng tính đến dư luận xã hội trong những hoạch định chính sách của họ, từ đó họ cố gắng tránh những quyết định mà họ tin rằng sẽ nhận được sự phản đối mạnh mẽ từ phía dư luận xã hội.
Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng nhà nước pháp quyền, nhà nước của dân, do dân và vì dân, do vậy càng phải nhận thức và sử dụng có hiệu quả dư luận xã hội với tính chất như là một công cụ đặc biệt của quá trình lãnh đạo, quản lý đất nước.
Việc quan tâm nắm bắt và sử dụng dư luận xã hội một cách thường xuyên và thấu đáo trong hoạt động lãnh đạo, quản lý của mình chính là một phương thức tốt nhất để phát huy cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” trong thực tế ở từng cơ quan, địa phương cụ thể.
Truyền thông tự do (facebook cá nhân, website, blog cá nhân…) là một “kiểu” dư luận xã hội thời kỹ thuật số đang phát triển và trở thành như một xu thế không thể khác được.
Việc thực hiện thường xuyên các cuộc điều tra dư luận xã hội của Đảng, Quốc hội Việt Nam cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tăng cường dân chủ và trong việc tạo điều kiện cho người dân có thể tham gia ý kiến vào những vấn đề quan trọng của đất nước.
Chính những văn bản pháp luật, chính sách được hình thành từ những ý nguyện của người dân sẽ có khả năng áp dụng vào thực tiễn cao nhất. Điều đó cũng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền ở Việt Nam, đặc biệt là cấp huyện. Sự phản biện, kiểm tra, giám sát xã hội của người dân sẽ giúp các người lãnh đạo, quản lý kịp thời phát hiện những sơ hở, hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo, quản lý của mình, trên cơ sở đó, kịp thời đề ra các giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả hơn trong việc đưa ra các quyết định điều hành của cán bộ, quản lý tại địa phương.
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Minh Anh (2012), Vai trò của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới ở Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội;
2. Ban Tư tưởng- Văn hóa Trung ương, Bộ Văn hóa- Thông tin, Hội Nhà báo Việt Nam (2002), Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa VIII) về đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, xuất bản, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội;
3. Lê Ngọc Hùng (2004), Xã hội học hành chính: Nghiên cứu giao tiếp và dư luận xã hội trong cải cách hành chính, NXB Lý luận Chính trị, Hà Nội;
4. Đinh Xuân Lý (2010), Phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở nước ta thời kỳ đổi mới, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.