Vì sao các làng nghề nên áp dụng Kaizen?
Áp dụng công cụ cải tiến Kaizen trong quản lý sản xuất được nhìn nhận là một trong những giải pháp hiệu quả để phát triển bền vững các làng nghề, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay.

Làng nghề đối mặt nhiều khó khăn mang tính đặc thù
Kaizen được biết tới là một triết lý kinh doanh nổi tiếng của người Nhật đã áp dụng thành công cho nhiều doanh nghiệp khắp nơi trên thế giới. Tên của nó được ghép từ hai từ trong tiếng Nhật (kai - liên tục và zen - cải tiến), nghĩa là sự cải tiến không ngừng nghỉ.
Một trong những điểm đặc trưng của Kaizen là “tích tiểu thành đại” - một kết quả lớn sẽ được tích lũy bền bỉ theo thời gian từ những thay đổi nhỏ, cải tiến nhỏ. Bởi vậy, Kaizen cần có sự tham gia của tất cả mọi người với tinh thần “bất cứ cái gì cũng có thể cải tiến được”.
Trước kia, Kaizen chủ yếu được áp dụng trong các công ty sản xuất tại Nhật như Toyota, Suzuki, Canon, Honda… Sau đó, Kaizen dần được áp dụng rộng rãi trong mọi công ty thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như dịch vụ, kinh doanh, công nghệ… tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Quá trình cải tiến trong Kaizen thường bắt đầu từ những ý tưởng quy mô nhỏ nhưng mang lại kết quả ấn tượng trong một thời gian dài. Khái niệm này khác biệt với sự đổi mới mà các doanh nghiệp phương Tây thường áp dụng: tạo ra những thay đổi lớn, ưu tiên những đột phá mang tính chất tức thời.
Hiện nay, doanh nghiệp trong các làng nghề tại Việt Nam đang phải đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức mang đặc thù riêng. Điển hình như thiếu hụt lao động có tay nghề, có kỷ luật lao động và có tác phong lao động công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp trong các làng nghề đang phải sử dụng lao động chưa qua đào tạo, một phần là lao động những lúc nông nhàn, không phải là lao động công nghiệp.
Do vậy, trình độ, năng lực, kỹ năng và đặc biệt là thái độ, tính kỷ luật, sự cam kết của lao động trong các doanh nghiệp làng nghề thường ở mức rất thấp. Lao động trong nhiều doanh nghiệp ở các làng nghề thường xuyên thay đổi chỗ làm, tỷ lệ nhảy việc cao, không gắn bó lâu dài với các doanh nghiệp.
Điều này gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc thay đổi, áp dụng những phương thức quản lý mới khi những phương thức quản lý mới đó đòi hỏi phải có sự tham gia của người lao động, đòi hỏi sự cam kết cao của người lao động...
Nhiều chuyên gia năng suất, chất lượng đánh giá, việc triển khai các công cụ quản trị mới trong doanh nghiệp làng nghề là cần thiết. Trong đó, áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen trong quản lý sản xuất là một giải pháp tốt để phát triển bền vững các làng nghề.
Lý do các làng nghề nên áp dụng Kaizen
Kaizen là công cụ giúp doanh nghiệp quản trị tinh gọn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng được các đòi hỏi của các doanh nghiệp trong các làng nghề. Việc áp dụng Kaizen có tính khả thi cao đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì việc áp dụng không đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn.
Công cụ cải tiến Kaizen có nhiều mức độ phức tạp khác nhau và ở những mức độ nhất định có thể dễ dàng triển khai ở các doanh nghiệp. Điều này phù hợp với các doanh nghiệp ở các làng nghề do các doanh nghiệp này có rất nhiều hạn chế.
Do đặc tính liên kết, chia sẻ, tính cộng đồng cao và do sự tập trung về mặt địa lý của các doanh nghiệp trong làng nghề, việc áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen sẽ lan toả nhanh hơn so với việc đào tạo từng doanh nghiệp đơn lẻ không nằm trong làng nghề.
Theo nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp làng nghề có nhiều đặc thù nên cần phải có những điều chỉnh phù hợp khi đưa các công cụ quản trị tiên tiến, hiện đại như Kaizen vào áp dụng. Việc xây dựng một mô hình để giúp các doanh nghiệp làng nghề áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen một cách có hiệu quả được đánh giá là một giải pháp tích cực…
Các mô hình điểm về áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen thành công có thể lan toả và thay đổi các doanh nghiệp khác trong làng nghề. Do đó, việc nhân rộng áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen trong các làng nghề có tính khả thi cao hơn.