Vì sao nên đưa nhà vào diện chịu thuế?

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Từ trước đến giờ, Nhà nước mới chỉ thu thuế đất chứ chưa đánh thuế nhà ở.

Áp thuế với người có hơn 1 căn nhà giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh hơn và tạo nguồn thu cho NSNN.
Áp thuế với người có hơn 1 căn nhà giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh hơn và tạo nguồn thu cho NSNN.

Do đó, việc đưa nhà vào diện chịu thuế, đặc biệt là áp thuế mức cao đối với người có từ 2 căn nhà trở lên ngoài việc tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN) còn giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh hơn, do đẩy lùi được hiện tượng đầu cơ.

Các nước phát triển đều đã áp dụng

Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/1/2012 quy định các loại đất phi nông nghiệp, trong đó có đất ở tại đô thị chịu thuế suất 0,03% trên bảng giá đất, đối với diện tích đất ở trong hạn mức; đối với phần diện tích đất ở vượt không quá 3 lần hạn mức thì áp thuế suất 0,07% và vượt quá 3 lần hạn mức là 0,15%. Đây là loại thuế trực thu mà người sử dụng đất ở phải nộp hàng năm. Ở nước ta cho đến nay, chỉ mới đánh thuế sử dụng đất ở, chưa đánh thuế tài sản nhà ở. 

Trong khi đó, tại nhiều nước trên thế giới, nguồn thuế bất động sản (bao gồm cả nhà và đất), đã là nguồn thu ngân sách hàng năm ổn định, bền vững của cấp chính quyền. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, tại Mỹ, việc đánh thuế bất động sản do các tiểu bang quy định và mỗi tiểu bang có mức thuế suất khác nhau (California hơn 1,2%/giá trị bất động sản/năm, Texas hơn 4%/năm).

Tại Đài Loan (Trung Quốc), chính quyền áp thuế theo phân khúc nhà như thuế suất 1,2% - 2% đối với nhà chung cư; khoảng 1,4% đối với nhà riêng; 3% - 5% đối với công trình thương mại...  Tại Singapore, bất động sản thứ 2 trở lên bị đánh thuế rất cao, thuế tài sản phụ trội áp dụng từ năm 2013 là 7% trên giá mua nhà; đối với bất động sản thứ 3 lên đến 10%.  

“Riêng tại Anh, Chính phủ nước này vừa đánh thuế tài sản phụ trội lên bất động sản thứ 2 kể từ ngày 1/4/2016, như đối với bất động sản thứ 2 có giá trên 40.000 Bảng, người mua phải nộp thêm 3% so với mức thuế thông thường; nhà có giá trên 1,5 triệu Bảng thì mức thuế lên tới 15%, nhưng nếu bán nhà cũ trong vòng 3 năm kể từ khi mua nhà thứ 2 thì lại được hoàn trả thuế đã nộp”, ông Châu cho biết.

Chưa nên áp thuế nhà ở xã hội, tái định cư…

Hiện tại, Bộ Tài chính đang nghiên cứu lập đề án đánh thuế bất động sản, nhất là đối với người có từ nhà thứ 2 trở lên. Theo HoREA, sắc thuế này ngoài việc giúp tăng thêm nguồn thu cho NSNN, còn góp phần giúp cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, minh bạch, bền vững, phòng chống đầu cơ, tăng nguồn cung cho thị trường, tạo thêm cơ hội cho người có nhu cầu thật tiếp cận nhà ở. Ngoài ra, sắc thuế này còn hướng các nhà đầu tư thứ cấp đi vào lựa chọn thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thay vì kinh doanh cá thể như hiện nay.

Tuy nhiên, trong thời gian đầu HoREA cho rằng không nên áp thuế này đối với nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại có giá trị dưới 1 tỷ đồng, nhà cấp 4 trở xuống, các đối tượng hộ gia đình dù đã có một căn nhà nhưng đang ở chật (đối với thành phố Hồ Chí Minh dưới mức bình quân 10m2/người) nay mua thêm nhà... nhưng tổng diện tích các căn hộ nhỏ này cũng chỉ dưới 200m2.

Lý do, đây là nhóm đối tượng yếu thế trên thị trường bất động sản, rất dễ bị tổn thương nên cần được hỗ trợ. Đa phần họ đều là người nghèo, dân nhập cư và có mức thu nhập thấp. Đây cũng là giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản một khi đưa tài sản nhà vào diện chịu thuế.

Theo ông Lê Hoàng Châu, trong giai đoạn đầu Nhà nước chỉ nên áp dụng mức thuế suất vừa phải, phù hợp với sức dân. Đối với người có từ căn nhà thứ 2 trở đi thì áp dụng thuế suất tài sản phụ trội tùy theo số lượng và giá trị tài sản. 

“Ngoài ra, cũng cần hoàn thành nhanh việc cấp "sổ đỏ" cho các bất động sản nhà ở; nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu quốc gia, trong đó có cơ sở dữ liệu nhà ở quốc gia, liên thông các ngành, các tỉnh và được cập nhật theo thời gian thực, nhất là phải hoàn thành cấp thẻ căn cước công dân, xác định mã số định danh cá nhân, để biết rõ người đang sở hữu nhà ở”, ông Châu nói.