Vì sao phòng cháy chữa cháy tại các khu nhà cao tầng gặp khó?
Trên cả nước, hiện vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Trình bày báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018 trước Quốc hội mới đây, thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh, nhấn mạnh dù có nhiều nỗ lực nhưng công tác PCCC vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Báo cáo giám sát của Quốc hội thống kê từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người. Thiệt hại về tài sản do những vụ cháy gây ra ước tính hơn 6.500 tỷ đồng và 6.462 ha rừng. “Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản hơn 1.600 tỷ đồng và hơn 1.600 ha rừng", tướng Võ Trọng Việt nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh cho biết hiện vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.
Tính đến tháng 7/2018, còn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.
Về nguồn kinh phí phục vụ cho công tác PCCC giai đoạn 2014 - 2018, ông Võ Trọng Việt cho hay ngân sách đầu tư cho công tác PCCC và CNCH khoảng 8.341 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách Trung ương chiếm 32,9%, nguồn ngân sách địa phương chiếm 64,6%, còn lại các nguồn khác chiếm 2,5%.
Lực lượng Cảnh sát PCCC toàn quốc được trang bị tổng cộng 2.227 xe các loại, 922 máy bơm chữa cháy, 211 xuồng, canô chữa cháy, 42 môtô chữa cháy, cứu hộ. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã chỉ đạo thực hiện đầu tư kinh phí, trang bị phương tiện PCCC cho lực lượng PCCC chuyên ngành.
Tuy nhiên, nguồn kinh phí này không đáp ứng đủ yêu cầu thực tế. Tỷ lệ xe chữa cháy đã cũ, sử dụng kém hiệu quả chiếm tới hơn 50%; việc trang bị xe thang, xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy, cứu hộ cứu nạn còn hết sức hạn chế.
Cũng trong giai đoạn giám sát, ông Việt cho biết lực lượng chức năng đã tiến hành 357 cuộc thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về PCCC. Đồng thời, đã điều tra, làm rõ nguyên nhân 11.277 vụ cháy (đạt 85,76%); khởi tố điều tra, truy tố, xét xử hình sự 66 vụ án với 43 bị can; xử phạt hành chính trên 98.000 trường hợp vi phạm với số tiền 206 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 1.956 trường hợp, tạm đình chỉ hoạt động 2.720 trường hợp.
Theo báo cáo của Chính phủ, nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do chủ đầu tư tự ý điều chỉnh thiết kế, thi công sai so với thiết kế được duyệt, lựa chọn, lắp đặt các hệ thống, thiết bị phòng cháy và chữa cháy không đồng bộ, kém chất lượng dẫn đến hệ thống không hoạt động theo đúng chức năng nên chưa đủ điều kiện để được nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
Mặt khác, do sức ép về thời hạn xây dựng công trình nên chủ đầu tư phải bàn giao nhà cho người dân vào ở, trong khi chưa hoàn thiện hệ thống kỹ thuật phòng cháy và chữa cháy. Việc xử lý đối với các công trình này còn gặp nhiều khó khăn do liên quan đến mặt bằng kết cấu xây dựng và kinh phí đầu tư khắc phục.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy với các cơ quan chức năng trong thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy hiện nay, dù được đánh giá khá tốt, nhất là trong cấp phép xây dựng đối với các dự án công trình, nhưng thực tế trong công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, rừng, các kho hóa chất... sự phối hợp còn chưa tốt.
Hiện nay, cả nước mới chỉ có 250/811 đô thị có quy hoạch về cấp nước chữa cháy, còn nhiều khu công nghiệp, khu dân cư chưa được quy hoạch về giao thông, cấp nước chữa cháy.
Trước những bất cập, tồn tại trong công tác phòng cháy chữa cháy và tại các cao ốc nói riêng, mới đây, sau khi làm việc với Chính phủ cũng như tổ chức các Đoàn công tác tiến hành giám sát tại một số địa phương và các cơ quan, đơn vị cơ sở trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam, Đoàn giám sát của Quốc hội đã đề xuất Chính phủ có lộ trình giải quyết dứt điểm tình trạng các công trình đưa vào sử dụng khi chưa có thẩm định, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, xử lý các công trình, khu chung cư cao tầng vi phạm quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy, đồng thời với việc xem xét trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc để xảy ra sai phạm.
Đoàn Giám sát cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng cháy chữa cháy đối với những công trình, hoạt động có nguy cơ cháy nổ cao như chung cư, nhà cao tầng; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có đề án, công trình mới mà chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy cần phối hợp với Bộ Công an xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy…
Riêng với Bộ Xây dựng, Đoàn Giám sát đã kiến nghị Bộ này tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động xây dựng, nhất là đối với các công trình cao tầng, công trình ngầm, công trình có yêu cầu nghiêm ngặt về phòng cháy chữa cháy; tăng cường phối hợp với Bộ Công an trong công tác thẩm định, nghiệm thu công trình xây dựng gắn với thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy; kiên quyết không cấp phép xây dựng, cấp phép hoạt động đối với công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu, kịp thời đình chỉ hoạt động xây dựng khi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy.
Bên cạnh đó, Bộ này cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các công trình xây dựng, kịp thời chấn chỉnh những sơ hở, thiếu sót trong công tác phòng cháy chữa cháy; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, bảo đảm tính thống nhất giữa xây dựng, phát triển đô thị, hạ tầng giao thông trong tổng thể quy hoạch đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy…