Việt Nam cần giải pháp đột phá về đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân

PV.

Việt Nam là quốc gia còn non trẻ trong lĩnh vực điện hạt nhân nên công tác hợp tác quốc tế là một ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển điện hạt nhân. Hợp tác quốc tế nhằm giúp Việt Nam tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến của các quốc gia trên thế giới và đào tạo nguồn nhân lực am hiểu trong lĩnh vực này để phát triển một cách an toàn, an ninh và bền vững.


Là mục tiêu hàng đầu

Chính phủ Việt Nam thực hiện chính sách tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước có nền KH&CN, công nghiệp hạt nhân tiên tiến, trong đó chú trọng xây dựng và củng cố các quan hệ hợp tác mang tính chiến lược, lâu dài; coi đây là một yếu tố quan trọng để đảm bảo thực hiện thành công Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình của Việt Nam.

Các tổ chức quốc tế và khu vực coi việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế như là giải pháp tăng cường và mở rộng vai trò, ảnh hưởng của mình. Đối với các nước có nền khoa học và công nghệ, công nghiệp hạt nhân phát triển, thông qua hợp tác quốc tế để mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất, tăng lợi ích kinh tế, đồng thời chuyển giao công nghệ cho các nước bắt đầu phát triển điện hạt nhân.

Đặc biêt hơn đối với Việt Nam đang trong quá trình xây dựng Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, chưa có kinh nghiệm trong phát triển điện hạt nhân nên việc hợp tác quốc tế về năng lượng nguyên tử là việc quan trọng và là ưu tiên hàng đầu cũng như giải pháp quan trọng để huy động nguồn lực, rút ngắn thời gian và giảm chi phí.

Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã ký Hiệp định hợp tác về năng lượng nguyên tử với hầu hết các nước có nền khoa học và công nghệ hạt nhân tiên tiến và có nền công nghiệp điện hạt nhân hàng đầu trên thế giới như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Achentina, Nga, Pháp, Nhật Bản, Hoa Kỳ.

Nhấn mạnh tầm quan trọng trong hợp tác quốc tế, ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết trong triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Việt Nam đã ký với Nga và Nhật Bản các hiệp định, thỏa thuận hợp tác, trong đó Nga là đối tác dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Nhật Bản là đối tác dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, đảm bảo cam kết sử dụng công nghệ tiên tiến nhất với tiêu chuẩn an toàn cao nhất; chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho dự án; cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho toàn bộ thời gian hoạt động của nhà máy điện hạt nhân. Đặc biệt là hợp tác trong quản lý và xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng và chất thải phóng xạ của Nhà máy điện hạt nhân.

Ngày 6/5/2014, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký hiệp định sử dụng hoà bình năng lượng hạt nhân, gọi tắt là Hiệp định 123 có hiệu lực từ ngày 15/10/2015.

Việc ký Hiệp định 123 đã tạo khung pháp lý cho các đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử đặc biệt là điện hạt nhân.

Hiệp định 123 còn tạo cơ sở pháp lý cho phép các quốc gia khác có thể cung cấp cho Việt Nam các vật liệu thiết bị và công nghệ hạt nhân chịu sự chi phối về bản quyền của Hoa Kỳ. Hiệp định có hiệu lực 30 năm, sẽ tiếp tục có hiệu lực với mỗi giai đoạn là 5 năm và có thể được sửa đổi khi có thỏa thuận giữa hai bên.

Được biết, một trong những ưu tiên của hợp tác quốc tế trong giai đoạn tới là hợp tác phát triển tiềm lực, xây dựng cơ sở nghiên cứu mới và hiện đại, triển khai dự án hợp tác với Liên bang Nga xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân với mục tiêu nghiên cứu tiếp thu công nghệ, tiến tới làm chủ trong thiết kế, vận hành, bảo dưỡng lò phản ứng nghiên cứu và nhà máy điện hạt nhân, cung cấp các dịch vụ khoa học và hỗ trợ kỹ thuật cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và các nhà máy điện hạt nhân sau này.

Cần giải pháp đột phá đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân

Bên cạnh hợp tác trên phương diện chuyển giao, tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến của các nước trong lĩnh vực điện hạt nhân thì giai đoạn hiện nay, Việt Nam tập trung hợp tác đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân. Đây là vấn đề cốt lõi để phát triển điện hạt nhân bền vững, an toàn và hiệu quả nhất.

Tiếp thu những khoa học công nghệ tiên tiến nhưng phải có nguồn nhân lực trình độ cao mới vận hành được các nhà máy điện hạt nhân một cách an toàn nhất.

Hợp tác quốc tế trong giai đoạn tới cũng nhấn mạnh đến vấn đề ưu tiên đào tạo dài hạn, chuyên sâu một số cán bộ nghiên cứu khoa học ở một số nước có nền khoa học và công nghệ hạt nhân tiên tiến, để sau khi về nước các cán bộ được đào tạo có đủ khả năng lãnh đạo các nhóm nghiên cứu phục vụ cho chương trình điện hạt nhân.

Theo TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Việt Nam cần tập trung các hướng đào tạo nguồn nhân lực trên 3 phương diện sau:

Một là: Tiếp tục gửi sinh viên sang Nga và cả Nhật Bản học về điện hạt nhân, có nghĩa là đào tạo đại học đúng chuyên ngành điện hạt nhân (mỗi năm gửi khoảng 100-120 sinh viên đi học). Nếu thực hiện tốt việc này, sau 7-10 năm Việt Nam sẽ có tương đối đầy đủ nguồn cán bộ về quản lý và vận hành nhà máy. Về cán bộ kỹ thuật đảm nhận nhiệm vụ bảo dưỡng sửa chữa nhà máy, cần sớm đưa ra kế hoạch đào tạo, phối hợp xây dựng cùng 2 đối tác là Nga và Nhật Bản.

Hai là: Đối với nhân lực cho R&D, việc đào tạo chuyên gia đầu đàn theo các định hướng chiến lược của điện hạt nhân là thiết yếu. Trong 5-7 năm tiếp theo, cần đào tạo khoảng 20-25 chuyên gia, cán bộ nghiên cứu đầu đàn về các lĩnh vực chiến lược này (an toàn, công nghệ, thiết kế, vật lý lò, thủy nhiệt, cơ học dòng chảy, nhiên liệu hạt nhân, chất thải phóng xạ, vật liệu sử dụng trong nhà máy điện hạt nhân, cơ khí, kinh tế v.v.).

Các chuyên gia, cán bộ đầu đàn này cần được đào tạo ở nước ngoài, với những giáo sư, người hướng dẫn là các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực điện hạt nhân tại các nước Nga, Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Để rút ngắn thời gian đào tạo, đối tượng đào tạo phải được chọn từ những cán bộ giỏi của ngành hạt nhân, là kỹ sư giỏi các ngành liên quan mới tốt nghiệp từ các trường đại học trong nước.

Cần có một học bổng ưu tiên đặc biệt đủ để thu hút cán bộ giỏi vào ngành. Để việc đào tạo có hiệu quả, trước khi gửi cán bộ sang đào tạo dài hạn (nhiều năm) ở nước ngoài để trở thành chuyên gia đầu đàn, cần đào tạo ngoại ngữ và kiến thức cơ bản về hạt nhân trong nước.

Ba là: Việc đào tạo cán bộ cho các cơ quan quản lý nhà nước (bao gồm pháp quy hạt nhân, quản lý) nên được thực hiện theo cách gửi cán bộ giỏi, theo từng nhóm sang các nước Nga, Mỹ, Nhật Bản học trực tiếp từ công việc cụ thể.

Để thực hiện được việc này, cần có chính sách để chọn được cán bộ giỏi và cần đạt được các thỏa thuận với các cơ quan pháp quy hạt nhân của các nước về đào tạo nhân lực cho Việt Nam theo hình thức “đào tạo tại chỗ” – On the Job Training).

Ngoài 3 định hướng để đào tạo theo 3 nhóm cán bộ chuyên gia nêu trên, cần có kế hoạch triển khai đào tạo trong nước một cách hiệu quả, trong đó cần sử dụng tối đa cơ sở hạ tầng nghiên cứu, đội ngũ cán bộ của ngành hạt nhân được hình thành và phát triển gần 40 năm qua.

Về việc triển khai đào tạo công nghệ điện hạt nhân tại các trường đại học trong nước, cần tập trung đào tạo tại một vài trường đại học có điều kiện thuận lợi nhất (ví dụ Đại học Bách khoa Hà Nội, và một trường đại học ở phía Nam, nơi có đủ các chuyên ngành liên quan và sử dụng được hiệu quả đội ngũ giảng viên hiện có). Việc đầu tư dàn trải vào nhiều trường đại học sẽ lãng phí tiền của đất nước, không mang lại hiệu quả, và hơn thế các thế hệ sinh viên được đào tạo ra sẽ khó có cơ hội được nhận vào làm việc trong ngành vì chất lượng đào tạo không được đảm bảo.

Chính sách ưu tiên thu hút cán bộ giỏi của ngành cũng là một yếu tố quan trọng để chương trình đào tạo nhân lực hạt nhân thực hiện thành công. Ngoài việc ưu tiên học bổng cho các cán bộ, sinh viên khi học tập, đào tạo, cần có chính sách hỗ trợ về lương đối với cán bộ đang làm việc trong ngành.