Các mức xử phạt đối với ngân hàng duy trì tài khoản tội phạm rửa tiền

PV.

Các mức xử phạt đối với ngân hàng khi duy trì tài khoản vô danh của tội phạm rửa tiền là vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm gửi câu hỏi về Tapchitaichinh.vn. Với sự phối hợp, hỗ trợ và tư vấn của các chuyên gia pháp luật về phòng, chống rửa tiền, Tapchitaichinh.vn đã giải đáp cụ thể về vấn đề này.

Gửi vướng mắc đến Tapchitaichinh.vn, bạn đọc hỏi: “Trong một đợt truy quét tội phạm ma túy, cơ quan điều tra phát hiện, bọn tội phạm đều gửi tiền tại Ngân hàng V. Tuy nhiên, trong danh sách khách hàng lại không có tên những kẻ tội phạm. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an phát hiện ra Ngân hàng V đã thiết lập và duy trì hơn 15 tài khoản vô danh trong Ngân hàng. Đây là tài khoản của những kẻ phạm tội. Hành vi này của Ngân hàng V sẽ bị xử lý như thế nào?”

Về vấn đề trên, tại Điều 46 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng có quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về các hành vi bị cấm trong phòng, chống rửa tiền.

Theo đó, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Thiết lập hoặc duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả; Cung cấp trái phép dịch vụ nhận tiền mặt, séc, công cụ tiền tệ khác hoặc công cụ lưu trữ giá trị và thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng tại một địa điểm khác.

Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Tổ chức hoặc tạo điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền; Thiết lập và duy trì quan hệ kinh doanh với ngân hàng được thành lập tại một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nhưng không có sự hiện diện hữu hình tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó và không chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Nghị định số 96/2014/NĐ-CP cũng quy định cụ thể về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm; Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Như vậy, theo quy định trên, do đã có hành vi thiết lập và duy trì tài khoản vô danh, Ngân hàng V sẽ bị xử lý vi phạm hành chính và có thể bị nộp phạt từ 100.000.000 đến 150.000.000 đồng.

Bên cạnh mức phạt về hành vi duy trì tài khoản vô danh của tội phạm rửa tiền, bạn đọc cũng gửi vướng mắc về Tapchitaichinh.vn về việc xử lý vi phạm đối với nhân viên ngân hàng khi sơ xuất gửi số liệu báo cáo không chính xác liên quan đến phòng, chống rửa tiền lên Cục phòng, chống rửa tiền.

Về vấn đề này, căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 47 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP, mức xử phạt vi phạm quy định về chế độ báo cáo, quản lý và cung cấp thông tin được quy định như sau: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Gửi báo cáo không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 44 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP; Không lưu giữ, bảo quản hồ sơ, tài liệu đúng thời hạn theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP; Số liệu báo cáo gửi không chính xác từ 02 lần trở lên trong năm tài chính.