Việt Nam có khoảng 1.300 người làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử
Tại Hội thảo quốc gia lần II về ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ngày 13/10/2016), TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Việt Nam có khoảng 1.300 người có trình độ đại học trở lên, làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử trong các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong đó, nhân lực phục vụ cho phát triển nghiên cứu, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành kinh tế - xã hội là khoảng 1.000 người. Đây là lực lượng quan trọng đóng góp cho sự phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ của đất nước ta.
Theo TS. Hoàng Anh Tuấn, trong số 1.300 cán bộ nói trên, số nhân lực trẻ có thâm niên công tác dưới 10 năm chiếm khoảng 60%; số nhân lực có thâm niên công tác trên 20 năm chiếm khoảng trên 20%.
Đến năm 2020, ước tính sẽ có hàng trăm cán bộ đang công tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử sẽ về hưu, trong đó đa phần là các cán bộ giàu kinh nghiệm, hiện đang giữ các vị trí chủ chốt trong công tác quản lý, nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử.
Ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ là một lĩnh vực đòi hỏi nhân lực có trình độ cao, có khả năng làm chủ công nghệ mới hiện đại, phức tạp. Trong khi đó, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ cao về thiếu hụt lực lượng chuyên gia do số lượng lớn các cán bộ sẽ nghỉ hưu trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguôn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” (Quyết định số 1558/QĐ-TTg ngày 18/8/2010) do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện.
Trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án. Tuy nhiên, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian qua mới chỉ tập trung phát triển nhân lực cho điện hạt nhân mà chưa có một kế hoạch quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ.
Đưa ra giải pháp đồng bộ về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử trong thời gian tới, TS. Hoàng Anh Tuấn cho rằng, việc tổ chức đào tạo ở trình độ đại học và sau đại học về khoa học công nghệ hạt nhân, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ, cần có kế hoạch ở quy mô quốc gia về đào tạo cán bộ quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực này.