Đào tạo nguồn nhân lực: “Chía khóa” phát triển điện hạt nhân
Nhân lực, trình độ năng lực của con người là vấn đề quan trọng nhất trong đảm bảo an toàn và kinh tế cho điện hạt nhân. Việt Nam muốn phát triển chương trình điện hạt nhân thành công, thì một trong nhiệm vụ tối quan trọng là phải thực hiện chiến lược, nhiệm vụ đào tạo nhân lực ngành Điện hạt nhân đáp ứng được yêu cầu an toàn, an ninh năng lượng cho quá trình phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam.
3 yếu tố cần và đủ đào tạo nhân lực điện hạt nhân
Trong lịch sử phát triển của ngành điện, đối với bất kỳ quốc gia nào phát triển điện hạt nhân, nguồn nhân lực phải đảm bảo đầy đủ 3 yếu tố:
Thứ nhất, nhân lực cho các công ty điện lực: Là cán bộ quản lý, vận hành, kỹ thuật viên bảo dưỡng, sửa chữa cho các nhà máy điện hạt nhân. Số lượng nguồn nhân lực này phụ thuộc vào công nghệ, vào số lượng tổ máy, việc đào tạo cán bộ vận hành các tổ máy điện hạt nhân cần thời gian không ít hơn 10 năm, thời gian đào tạo kỹ thuật viên cho các nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa sẽ ít hơn.
Thứ hai, nhân lực cho các cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D). Những người làm việc tại các cơ sở nghiên cứu phải có năng lực triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ để hỗ trợ kỹ thuật tốt nhất có thể cho vận hành an toàn, kinh tế các nhà máy điện hạt nhân.
Ví dụ: Tại Nga, Pháp, một số nước châu Âu, các cơ sở nghiên cứu là các Viện nghiên cứu (là chính) và một phần nhỏ ở các trường đại học. Tại Mỹ, các cơ sở nghiên cứu là các Viện nghiên cứu quốc gia và các trường đại học (đóng vai trò đáng kể). Ở Nhật Bản, việc nghiên cứu được thực hiện chủ yếu ở các trường đại học. Tại Hàn Quốc, KAERI là Viện nghiên cứu chính về hạt nhân, và các trường đại học cũng có vai trò ở mức độ nhất định, mà không giữ vai trò chính… Khi các đơn vị nghiên cứu là cơ sở hỗ trợ kỹ thuật, họ có thể thực hiện nhiệm vụ của công ty điện lực đưa ra, cũng như nhiệm vụ cơ quan pháp quy hạt nhân đưa ra, miễn sao từng nhiệm vụ khoa học công nghệ phải được thực hiện bởi đơn vị độc lập, tránh rơi vào tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Thứ ba, nhân lực của cơ quan pháp quy hạt nhân: Nguồn nhân lực này là các cán bộ giỏi, có kiến thức và kinh nghiệm, được lựa chọn từ các công ty điện lực, hoặc từ các cơ sở nghiên cứu liên quan. Nhiệm vụ của họ là nhìn ra các vấn đề liên quan đến an toàn của các nhà máy điện hạt nhân, để đưa ra được các yêu cầu, hay quy định về an toàn để bảo vệ con người và môi trường.
Như vậy, việc đào tạo nhân lực là cấp bách, cần thực hiện song song đối với các nhóm nêu trên. Xét về khía cạnh nhiệm vụ đang triển khai trước mắt là nghiên cứu để hiểu thiết kế, tiếp thu chuyển giao công nghệ từ các đối tác nước ngoài, thực hiện các nhiệm vụ liên quan là FS và thiết kế kỹ thuật cho Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, thì đội ngũ R&D, chuyên gia về điện hạt nhân cần được ưu tiên phát triển sớm.
Bên cạnh những kết quả ban đầu về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam, hiện chúng ta cũng đang gặp phải một số khó khăn, hạn chế như: Chất lượng nguồn nhân lực còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, trong khi số lượng nhân lực điện hạt nhân còn ít.
Trong khi đó, về nguồn nhân lực R&D, hiện nay, chúng ta đang gặp nhiều trở ngại khó khăn về phát triển nguồn nhân lực này, vì chưa có chính sách, chiến lược đào tạo đúng đắn. Hầu như không có nguồn cán bộ đầu vào chất lượng cao cho các cơ sở nghiên cứu hạt nhân. Nguồn nhân lực cho cơ quan pháp quy hạt nhân, quản lý nhà nước lại khó xây dựng do đặc thù Việt Nam chưa có ngành điện hạt nhân, nên không có nguồn cán bộ có trình độ, có kinh nghiệm thực tế để lựa chọn.
Cần giải pháp đột phá đào tạo nhân lực điện hạt nhân
Trong điều kiện và tình hình thực tế hiện nay, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục gửi sinh viên sang Nga và Nhật Bản học về điện hạt nhân, có nghĩa là đào tạo đại học đúng chuyên ngành điện hạt nhân (mỗi năm gửi khoảng 100 - 120 sinh viên đi học). Nếu thực hiện tốt việc này, thời gian tới, Việt Nam sẽ đảm bảo đầy đủ nguồn cán bộ về quản lý và vận hành nhà máy. Về cán bộ kỹ thuật đảm nhận nhiệm vụ bảo dưỡng sửa chữa nhà máy, cần sớm đưa ra kế hoạch đào tạo, phối hợp xây dựng cùng 2 đối tác là Nga và Nhật Bản.
Thứ hai, đối với nhân lực R&D, việc đào tạo chuyên gia đầu đàn theo các định hướng chiến lược của điện hạt nhân là thiết yếu. Về vấn đề này, cần đào tạo bổ sung thêm số lượng chuyên gia, cán bộ nghiên cứu về an toàn, công nghệ, thiết kế, vật lý lò, thủy nhiệt, cơ học dòng chảy, nhiên liệu hạt nhân, chất thải phóng xạ, vật liệu sử dụng trong nhà máy điện hạt nhân, cơ khí, kinh tế….
Thứ ba, cần tăng cường đào tạo các chuyên gia, cán bộ chuyên ngành điện hạt nhân ở nước ngoài, với những giáo sư, người hướng dẫn là các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực điện hạt nhân tại các nước Nga, Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Thứ tư, cần có một học bổng ưu tiên đặc biệt đủ để thu hút cán bộ giỏi vào ngành. Để việc đào tạo có hiệu quả, trước khi gửi cán bộ sang đào tạo dài hạn (nhiều năm) ở nước ngoài để trở thành chuyên gia đầu đàn, cần đào tạo ngoại ngữ và kiến thức cơ bản về hạt nhân trong nước.
Việc đào tạo cán bộ cho các cơ quan quản lý nhà nước (bao gồm pháp quy hạt nhân, quản lý) nên được thực hiện theo cách gửi cán bộ giỏi, theo từng nhóm sang các nước Nga, Mỹ, Nhật Bản học trực tiếp từ công việc cụ thể. Để thực hiện được việc này, cần có chính sách để chọn được cán bộ giỏi và cần đạt được các thỏa thuận với các cơ quan pháp quy hạt nhân của các nước về đào tạo nhân lực cho Việt Nam theo hình thức “đào tạo tại chỗ”.
Thứ năm, cần có kế hoạch triển khai đào tạo trong nước một cách hiệu quả, trong đó cần sử dụng tối đa cơ sở hạ tầng nghiên cứu, đội ngũ cán bộ của ngành hạt nhân được hình thành và phát triển gần 40 năm qua.
Thứ sáu, cần tập trung đào tạo tại một vài trường đại học có điều kiện thuận lợi nhất (ví dụ Đại học Bách khoa Hà Nội, và một trường đại học ở phía Nam, nơi có đủ các chuyên ngành liên quan và sử dụng được hiệu quả đội ngũ giảng viên hiện có). Việc đầu tư dàn trải vào nhiều trường đại học sẽ lãng phí tiền của đất nước, không mang lại hiệu quả, và hơn thế các thế hệ sinh viên được đào tạo ra sẽ khó có cơ hội được nhận vào làm việc trong ngành vì chất lượng đào tạo không được đảm bảo.
Thứ bảy, cần có các chính sách ưu tiên thu hút cán bộ giỏi của ngành cũng là một yếu tố quan trọng để chương trình đào tạo nhân lực hạt nhân thực hiện thành công.
Trong giai đoạn hiện nay, khi chương trình điện hạt nhân đang được tích cực triển khai, thì việc áp dụng một chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài, thu hút những người xuất sắc cho ngành hạt nhân là điều vô cùng cần thiết, bảo đảm cho sự thành công của chương trình điện hạt nhân Việt Nam./.