Việt Nam đang có vị thế rất mạnh mẽ để mở rộng và khai thác các thị trường xuất khẩu

Bích Hà

Việt Nam đang có vị thế rất mạnh mẽ để mở rộng và khai thác các thị trường xuất khẩu trong thời gian tới khi tập trung khai thác triệt để các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Các Hiệp định FTA đem lại lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (Nguồn: Internet)
Các Hiệp định FTA đem lại lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (Nguồn: Internet)

Ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh, phức tạp và khó lường, thể hiện qua việc tham gia và triển khai các cam kết kinh tế quốc tế tạo ra những cơ hội đối với sản xuất công nghiệp và thương mại, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường, đối tác với thuế quan ưu đãi, thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Theo đó, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký với các đối tác thị trường lớn của Việt Nam sẽ tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư và đặc biệt là xuất khẩu... Đây sẽ là những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này, từ đó tạo động lực tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Việt Nam cho rằng, những năm qua, Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Thị trường nội địa tương đối ổn định, giúp duy trì tăng trưởng kinh tế.

Chuyên gia đến từ ADB cũng thẳng thắn chỉ ra, mặc dù có nhiều dư địa cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, tuy nhiên, trước biến động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, đặc biệt là chính sách thuế mới của Hoa Kỳ sẽ tác động đến tăng trưởng xuất khẩu và kinh tế của Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, để giảm thiểu những rủi ro có thể xảy đến, đồng thời đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2025, Việt Nam cần tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân, đơn giản hoá các thủ tục hành chính.

Cùng với đó, có chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa và khai thác triệt để các FTA đã ký trước đó nhằm đa dạng hoá thị trường xuất khẩu thay vì chỉ phụ thuộc vào một số thị trường.

Liên quan đến khai thác triệt để hơn các FTA, ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng ADB cho rằng: Với những FTA thế hệ mới đã ký kết, Việt Nam đang có vị thế rất mạnh mẽ để mở rộng và khai thác các thị trường xuất khẩu.

Việc khai thác hiệu quả và triệt để các thị trường này sẽ mang lại những cơ hội lớn cho Việt Nam trong đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy cơ hội đẩy mạnh cung cấp dịch vụ, hàng hoá sang các thị trường trong khu vực.

Phát biểu tại Lễ Công bố Bộ Chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do của các địa phương - FTA Index năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, thế giới đang thay đổi từng ngày; điểm rõ nhất là cạnh tranh chiến lược và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, đặc biệt xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng mở rộng và gia tăng, cùng với việc Tổng thống Mỹ vừa công bố áp thuế đối ứng từ 10% đến 49% đối với hàng hóa của tất cả các nước khi nhập khẩu vào Hoa Kỳ, tác động bất ổn đến trật tự thương mại quốc tế và nền kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, các FTA được xem như là các “xa lộ lớn”, tạo thuận lợi vượt trội thúc đẩy trao đổi thương mại giữa các quốc gia; là “cánh cửa mở” để liên thông kinh tế nước ta với thế giới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, những năm qua, các FTA đã tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam từng bước hội nhập sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; đồng thời, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu và cải thiện cán cân thương mại theo hướng chuyển từ thâm hụt sang thặng dư liên tục trong nhiều năm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực thi các FTA thời gian qua còn nhiều tồn tại, hạn chế, đó là: Việc tận dụng cơ hội từ các FTA giữa các địa phương và doanh nghiệp chưa đồng đều, đặc biệt là trong khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ; Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm, cập nhật đầy đủ thông tin, chưa nắm rõ cam kết cụ thể và chưa đủ năng lực để đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất xứ, kỹ thuật, môi trường, lao động...

Để kịp thời khắc phục những hạn chế, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng và công bố Bộ Chỉ số FTA Index hàng năm, nhằm tạo lập, cung cấp cơ sở dữ liệu minh bạch, khách quan, toàn diện về mức độ thực thi các cam kết FTA tại từng địa phương; làm căn cứ quan trọng, giúp Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương hoạch định cơ chế, chính sách điều hành sản xuất, xuất nhập khẩu bảo đảm sát thực, khả thi nhằm thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp chủ động tham gia, khai thác có hiệu quả các FTA để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu./.