Việt Nam dễ bị tổn thương trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick nhận định, vì là nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng nên Việt Nam sẽ dễ bị tổn thương trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khi thương mại toàn cầu giảm sút.
Ngày 26/9, tại Hà Nội Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã tô chức họp báo công bố Báo cáo thường niên "Triển vọng phát triển châu Á" (ADO) 2018, theo đó nhấn mạnh kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mặc dù có những thách thức trong và ngoài nước.
Tăng trưởng GDP năm 2018 sẽ ở mức 6,9%
Trong Báo cáo, ADB đã bất ngờ hạ dự báo trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức 6,9% cho năm 2018, thấp hơn so với mức 7,1% được đưa ra trong tháng 4. Lý do được ADB đưa ra là do xuất khẩu, nông nghiệp, xây dựng và khai khoáng dự kiến giảm nhẹ trong nửa cuối năm. ADB vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2019 của Việt Nam ở mức 6,8%.
Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick đánh giá, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang đạt được trên tất cả các lĩnh vực, với động lực là ngành sản xuất chế tạo tiếp tục mở rộng, sản xuất nông nghiệp tăng cao, ngành dịch vụ ổn định , tiêu dùng trong nước được duy trì tốt, và đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước.
Họp báo Báo cáo thường niên "Triển vọng phát triển châu Á" (ADO) 2018 ngày 26/9 tại Hà Nội. (Ảnh: D.T) |
Nền kinh tế nhiều khả năng sẽ tăng trưởng tốt trong ngắn hạn nhờ nhu cầu nội địa được duy trì, điều kiện kinh doanh được cải thiện, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định. Tăng chi tiêu công trong nửa cuối năm nay được dự báo sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong đầu tư.
Tuy nhiên, ông Eric Sidgwick cũng lưu ý, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn dễ ảnh hưởng bởi những thách thức trong và ngoài nước.
Đáng chú ý, ADB cũng cảnh báo về áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm. Tăng trưởng cao cùng với sự gia tăng các loại giá cả do nhà nước điều tiết và giá dầu phi mã có thể khiến lạm phát của Việt Nam gia tăng. Lạm phát chung tính đến tháng 6/2018 tăng 4,7% so với cùng kỳ, lạm phát trung bình năm trong 6 tháng đầu năm đã lên đến 3,3%. Bên cạnh đó, giá dầu quốc tế tăng và giá lương thực tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến lạm phát.
Do đó, ADB đã điều chỉnh lạm phát của Việt Nam lên 4% trong năm 2018 và 4,5% cho 2019, tăng so với ước tính tại báo cáo hồi tháng 4 tương ứng là 3,7% và 4%.
Ba thách thức lớn
Nhận định về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với nền kinh tế Việt Nam, ông Eric Sidgwick cho rằng, căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới có thể có một số tác động chung đến Việt Nam. Vì là nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng nên Việt Nam dễ bị tổn thương vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khi thương mại toàn cầu giảm sút. Ngoài ra, ông Eric Sidgwick cũng lưu ý, việc Việt Nam có thể hưởng lợi khi Mỹ tìm đến những thị trường nhập khẩu mới thay Trung Quốc trên thực tế lại tiềm ẩn nguy cơ khi hàng Trung Quốc “mượn đường” Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.
Do đó, ông Eric Sidgwick khuyến cáo, Việt Nam cần tiếp tục theo dõi những diễn biến mới để đánh giá đúng tác động của chiến tranh thương mại đến Việt Nam và đưa ra đối sách phù hợp. “Thách thức từ thu hẹp thương mại khi cuộc chiến leo thang cũng là điều mà Việt Nam cần tính đến”, ông Sidgwick nói.
Thương mại toàn cầu giảm sút sẽ ảnh hưởng khá lớn đến Việt Nam – một quốc gia vốn dĩ dựa nhiều vào xuất khẩu. (Nguồn: CNBC) |
Theo Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, trong bối cảnh thương mại toàn cầu giảm sút, Việt Nam nên tìm đến những thị trường mới ngoài những thị trường lớn, truyền thống. Với việc đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, Việt Nam cũng đang sẵn có những lợi thế khi xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia kinh tế trưởng của ADB đưa ra 3 thách thức của Việt Nam khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng.
Thứ nhất, thương mại toàn cầu giảm sút sẽ ảnh hưởng khá lớn đến Việt Nam – một quốc gia vốn dĩ dựa nhiều vào xuất khẩu.
Thứ hai, các nhà đầu tư có thể cân nhắc lại chiến lược kinh doanh của mình, dòng vốn FDI có thể bị ảnh hưởng.
Thứ ba, Trung Quốc có thể điều chỉnh hoặc phá giá Nhân dân tệ, gây sức ép lên đồng tiền Việt Nam. “Bên cạnh đó, cần phải tính đến khả năng Mỹ áp các biện pháp đối kháng với hàng hóa Việt Nam nếu nghi ngờ xuất xứ thực sự là hàng hóa Trung Quốc”, ông Cường cảnh báo.
Ông Cường khuyến nghị, đối sách tốt nhất của Việt Nam trong bối cảnh này là phải “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Ngoài việc theo dõi sát tình hình thế giới, cần tiếp tục tăng cường cải tổ trong nước, tăng cường cơ sở hạ tầng đặc biệt là logistic, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế, gia tăng năng suất…