Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á về chỉ số nộp thuế
Theo Báo cáo môi trường kinh doanh - Doing business 2018 (DB2018) toàn cầu vừa được Ngân hàng thế giới (WB) công bố, chỉ số nộp thuế của Việt Nam xếp thứ 86/190, tăng 81 bậc so với DB2017. Nếu so với các nước ASEAN, Việt Nam đứng thứ 3.
Theo báo cáo của WB, mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 14 bậc so với DB2017; trong đó chỉ số nộp thuế (Paying Taxes) xếp thứ 86/190, tăng 81 bậc so với DB2017. Đây là năm thứ 4 liên tiếp các cải cách về thuế được ghi nhận có sự cải thiện vượt bậc, điều này đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Để đánh giá về chỉ số nộp thuế, WB đã căn cứ vào các chỉ tiêu như: số giờ nộp thuế, số lần nộp thuế trong năm, tổng mức thuế suất trên lợi nhuận, chỉ số sau kê khai (hoàn thuế GTGT, thanh/kiểm tra thuế TNDN). Theo đánh giá của WB, hầu hết các chỉ số này đều có sự cải thiện so với năm trước đó. Điều này đã mang lại kết quả vượt bậc như báo cáo đánh giá trên đây.
Theo bảng xếp hạng do WB thực hiện đối với 190 quốc gia, thì chỉ số nộp thuế của Việt Nam xếp thứ 86, Singapore xếp thứ 7, Thái Lan xếp thứ 67, Malaysia xếp thứ 73, Indonesia xếp thứ 114, Philippines xếp thứ 105 và Brunay xếp thứ 104. Như vậy, nếu so sánh chỉ số nộp thuế của Việt Nam với các nước Đông Nam Á (ASEAN, thuộc nhóm ASEAN 4 và ASEAN 6), Việt Nam đứng thứ 3, đạt mục tiêu của Nghị quyết 19 năm 2017 của Chính phủ đặt ra.
Điều đáng chú ý là Báo cáo kết quả môi trường kinh doanh 2018 của WB chưa ghi nhận một số những cải cách về chính sách, thủ tục hành chính thuế để giảm giờ nộp thuế mà Bộ Tài chính cũng như Tổng cục Thuế đã thực hiện trong năm 2015 - 2016. Do đó, trên thực tế, số giờ nộp thuế của Việt Nam hiện chỉ còn 117 giờ/năm.
WB cũng cho rằng, những cải cách để giảm giờ nộp thuế trong năm 2015 - 2016 mặc dù chưa được đánh giá trong DB2018, nhưng những cải cách mà ngành Thuế thực hiện đã góp phần tiết kiệm rất nhiều công sức, thời gian trong thực tế.
Theo WB, những quy định góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mà ngành Thuế đã thực hiện trong thời gian qua là: Việc bỏ bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra kèm theo tờ khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13; một số quy định đơn giản hóa thủ tục về tính thuế GTGT, thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tại Thông tư số 26/2015/TT-BTC và Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.