Việt Nam nỗ lực chuyển đổi năng lượng công bằng
Chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam là quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thân thiện với môi trường. Điều này thể hiện qua cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26, và quyết định tham gia Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với một số nước G7 và đối tác quốc tế khác.
Chia sẻ về các nỗ lực của Việt Nam thực hiện JETP tại Hội thảo quốc tế “Chuyển đổi năng lượng công bằng và Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu” vừa được Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tổ chức, ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của thế giới khi công bố tham vọng đạt được mục tiêu cân bằng phát thải vào năm 2050.
Từ đó đến nay, Việt Nam đã có nhiều bước tiến tích cực nhằm hiện thực hóa cam kết này, một trong số đó chính là theo đuổi nỗ lực ở tầm quốc gia trong khuôn khổ Thỏa thuận JETP. Lộ trình phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam đã được đưa vào Chiến lược quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết tại COP26 là cơ quan giám sát việc triển khai JETP.
Việt Nam coi JETP là một trong những giải pháp quan trọng giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính và thực hiện Quy hoạch điện VIII. Đây là quan hệ đối tác lâu dài, tham vọng để hỗ trợ phát triển phát thải thấp và chống chịu với biến đổi khí hậu của Việt Nam, cũng như hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công bằng và phi các-bon hoá hệ thống điện, phát triển các cơ hội kinh tế mới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Việt Nam tiến tới đạt phát thải ròng bằng 0 trong tương lai.
Trong năm 2023, Việt Nam sẽ thành lập Ban Thư ký JETP; hoàn tất Kế hoạch huy động nguồn lực; và xác định/triển khai các dự án chuyển đổi thí điểm. Đến nay, các bộ, ngành liên quan đã trao đổi sơ bộ với IPG để xây dựng các điều khoản tham chiếu cho Ban Thư ký và xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP.
Đây là những công việc tạo tiền đề quan trọng để triển khai JETP tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang xây dựng Đề án triển khai JETP theo yêu cầu của hệ thống pháp luật Việt Nam, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2023.
Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu khẳng định, chuyển đổi là vấn đề mới đối với tất cả các quốc gia, bao gồm không chỉ năng lượng mà cả nhiều khía cạnh khác của phát triển kinh tế - xã hội và sẽ có tác động tích cực và tiêu cực đến nền kinh tế. Vì vậy, sẽ mất thời gian để khởi động quá trình và cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan để bảo đảm quá trình chuyển đổi bền vững và công bằng.
Quá trình chuyển đổi năng lượng cần bảo đảm lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm người dân được tiếp cận năng lượng với giá cả phải chăng, hỗ trợ cho những người bị tác động bởi quá trình chuyển đổi.
Theo đó, mỗi quốc gia cần quan tâm đầy đủ đến quyền lợi của mọi người dân và "không để ai bị bỏ lại phía sau", các quốc gia phát thải nhiều khí nhà kính trong quá khứ cần thực hiện trách nhiệm lịch sử của mình và hỗ trợ các nước đang phát triển về tài chính, công nghệ và nâng cao năng lực, chuyển đổi năng lượng tại các nước đang phát triển cần có lộ trình phù hợp và tính đến điều kiện và hoàn cảnh của từng quốc gia.
JETP được xây dựng dựa trên Quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII) của Nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) do Anh khởi xướng nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển. Trọng tâm của JETP là đảm bảo quá trình chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch được công bằng. Mô hình JETP đã được giới thiệu lần đầu tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tổ chức vào tháng 11/2021 tại Glasgow (Vương quốc Anh).