Việt Nam quyết tâm, kiên định bước vào kỷ nguyên vươn mình trong thời đại mới

PV

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 khóa XIII vừa qua đã thống nhất khẳng định Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc. Để hiện thực hóa mục tiêu này, rất cần thống nhất nhận thức, niềm tin; sáng tỏ tầm nhìn, chiến lược và nỗ lực hành động của toàn Đảng, toàn Dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10, khoá XIII.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10, khoá XIII.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 và trong nhiều bài viết, phát biểu quan trọng vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: “Với thế và lực đã tích luỹ được sau 40 năm đổi mới, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn Dân và toàn Quân, với những thời cơ, thuận lợi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng ta đã hội tụ đủ những điều kiện cần thiết đưa Đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam”. Đây là nhận thức, tư duy lý luận mới tạo cơ sở quan trọng cho việc xây dựng các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng.

Kỷ nguyên mới mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề cập đối với Dân tộc Việt Nam là sau 40 năm đổi mới, đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới, thời kỳ vươn mình của Dân tộc Việt Nam. Thời kỳ đó có lý luận mới, tư duy mới, chiến lược mới, cách thức triển khai và nhiệm vụ đặt ra mới hơn. Lý luận thời kỳ mới không phải phủ nhận cái cũ mà là bổ sung trên cơ sở kế thừa, phát triển, hoàn thiện những kết quả, thành tựu đã đạt được, mang tính chất “đi trước, mở đường” cho thời kỳ phát triển mới. Tư duy mới tiếp tục tìm tòi, nhận thức, đột phá hơn; cách thức tổ chức, thực hiện nhiệm vụ chiến lược mạnh mẽ, quyết liệt để đạt mục tiêu nhanh hơn, sớm hơn.

Tư duy lý luận về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc chính là sự kế thừa, phát triển nhận thức, tư duy lý luận về giai đoạn phát triển mới của Đất nước và của Dân tộc Việt Nam. Hành trang bước vào kỷ nguyên mới, vươn mình của Dân tộc đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định là: Phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường, tự hào Dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn Dân tộc và hiện thực hóa khát vọng phát triển Đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ Xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững, là đột phá để đưa Đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam.

Quan niệm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam thể hiện tầm nhìn, nhận thức, tư duy lý luận, quan điểm mới, phương hướng, định hình chiến lược của người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta. Quan điểm này cũng gợi mở, tạo tiền đề phát triển, bổ sung, hoàn thiện văn kiện Đại hội XIV của Đảng đạt tầm khoa học kết tinh trình độ lý luận, tầm cao trí tuệ của toàn Đảng, hiện thực hóa niềm tin và khát vọng phát triển của Dân tộc và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Theo PGS., TS. Nguyễn Viết Thảo - nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam sẽ phải đặt trong bối cảnh rất mới, đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nói, đó là bối cảnh thế giới có nhiều chuyển động mang tính thời đại, tức là những chuyển động tầm cỡ thời đại, tác động trong dài hạn đến an ninh và phát triển của tất cả các quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam.

“Lịch sử hàng nghìn năm của Dân tộc Việt Nam, gần nhất là lịch sử cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng từ năm 1930, toàn Đảng, toàn Dân rất đỗi tự hào về những thắng lợi vẻ vang, trong đó có không ít kỳ tích vươn mình, biến điều tưởng như không thể trở thành có thể. Thế giới ngày nay vừa khâm phục Việt Nam Anh hùng trong chiến tranh chống thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ xã hội mới; vừa trân trọng Việt Nam đổi mới thành công, đem lại cho quốc gia dân tộc nhiều bước tiến vượt bậc, trở thành dẫn chứng sinh động cho các quốc gia đang phát triển vươn lên những tầm cao mới. Phía trước, có nhiều thuận lợi, cơ hội cùng những khó khăn, thách thức đan xen, nhưng một kỷ nguyên mới đã mở ra, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam tới tầm cao của quốc gia phát triển, vững bước trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, PGS., TS. Nguyễn Viết Thảo cho biết.

GS., TS. Mạch Quang Thắng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, đây là bước ngoặt lớn trong tư duy lãnh đạo. Chính đổi mới đã khơi dậy sức mạnh toàn dân, giải phóng sức lao động và đưa đến những thành tựu của ngày nay.

“Đây là cột mốc lớn, đánh dấu về chính thức sự đổi mới của Đảng ta, nhìn thẳng vào sự thật, nhấn xoáy vào điểm đổi mới tư duy, mà tư duy ở đây trước hết là tư duy về kinh tế. Đảng ta đã đi đúng cái trọng tâm”, GS., TS. Mạch Quang Thắng chia sẻ.

Sau gần 40 năm đổi mới, từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, Việt Nam đã chuyển sang cơ chế thị trường chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; từ một nước nông nghiệp lạc hậu, nghèo nàn, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp, trở thành một điểm sáng về sự ổn định, phục hồi và phát triển kinh tế.

Những thành tựu đó đã mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân và càng củng cố thêm niềm tin của người dân đối với Đảng, để rồi từ niềm tin đó, sự đoàn kết, sự đồng lòng, đồng sức của người dân cả nước trên mọi mặt trận, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đến quốc phòng, an ninh lại được phát huy cao độ để tạo nền móng vững chắc, tạo đà cho Đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.