Việt Nam thiết lập hệ thống giám sát carbon nông nghiệp

Xuân Trường

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lần đầu tiên giới thiệu mô hình hệ thống điện tử truy xuất nguồn gốc và lượng khí thải carbon của từng quả thanh long được sản xuất tại tỉnh Bình Thuận.

Canh tác thanh long tại Bình Thuận đã được truy xuất dấu carbon theo thời gian thực.
Canh tác thanh long tại Bình Thuận đã được truy xuất dấu carbon theo thời gian thực.

Theo đó, mỗi trang trại trồng thanh long sẽ lắp đặt các thiết bị thông minh tự động đo lượng khí thải carbon và cập nhật lên mạng để có thể theo dõi và đếm lượng khí thải carbon theo thời gian thực. Đến nay, đã có 99 vườn trồng của nông dân thuộc 4 hợp tác xã tại Bình Thuận (HTX Thanh long Hoà Lệ, HTX Hàm Minh, HTX Thuận Tiến, Công ty Phúc Hà) đã được cấp tài khoản tham gia hệ thống này.

Hiện nay, người tiêu dùng trong và ngoài nước đều có thể quét mã QR để truy xuất nguồn gốc, độ xanh của trái cây khi mua hoặc nhập khẩu thanh long từ các vùng sản xuất chính của Bình Thuận.

Bên cạnh đó, công nghệ còn phân tích để đưa ra giải pháp giảm lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất và vận chuyển nông sản. Cụ thể, việc cải thiện hiệu quả chiếu sáng - chuyển từ đèn compact sang đèn LED - có thể giúp giảm lượng khí thải sử dụng điện tới 68%; Trồng xen thân cây gỗ ở hàng rào vườn thanh long sẽ hấp thụ lượng khí thải carbon do cây thanh long thải ra. Theo ước tính, trồng 100-300 cây thân gỗ trên mỗi ha có thể hấp thụ 0,9-2,8 tấn carbon dioxide mỗi năm, tương đương với việc giảm 20-45% lượng khí thải trang trại.

Trong bối cảnh chuyển đổi xanh trong nông nghiệp, công cụ này có ý nghĩa quan trọng, giúp trái thanh long Bình Thuận có lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu, giúp các nhà sản xuất và doanh nghiệp địa phương tại Việt Nam theo dõi và quản lý mức độ phát thải khí nhà kính của chuỗi cung ứng và tránh những rào cản không cần thiết khi xuất khẩu sang các thị trường giá trị cao, thường là nơi đang tiến tới áp dụng cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới.

Mặc dù có những thành tựu ban đầu đáng khích lệ, việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc carbon trên trái thanh long mới chỉ là một phần nhỏ trong hành trình chuyển đổi nông nghiệp xanh và bền vững của Việt Nam. Thực tế, chỉ có một số ít nông sản, như con tôm và thanh long đã sử dụng hệ thống này, trong khi Việt Nam xuất khẩu rất nhiều loại nông sản khác nhau với giá trị hàng tỷ USD.

Chính vì vậy, cùng với việc giới thiệu mô hình trên, UNDP và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quan tâm, chia sẻ nhiều chủ đề: sự cần thiết phải đo lường và giảm thiểu khí thải từ trồng lúa; một số mô hình canh tác thông minh liên quan đến chuyển đổi số; tầm quan trọng của giải pháp số trong sản xuất, chế biến và tiêu dùng; tầm nhìn chiến lược chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn; sự hợp tác giữa chính phủ và các tổ chức quốc tế nhằm xây dựng dữ liệu vì sự phát triển xanh và bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam...