Vĩnh Long quyết tâm đưa nợ thuế xuống mức 5%
Dù đã áp dụng nhiều biện pháp quản lý, đôn đốc nợ thuế quyết liệt nhưng vì nhiều lý do khách quan nên chỉ tiêu kéo giảm tiền nợ thuế xuống mức dưới 5% tổng số thu mà Tổng cục Thuế đề ra vẫn luôn là ngưỡng phấn đấu của ngành Thuế Vĩnh Long.
Nhiều hệ lụy từ nợ thuế
Tại tỉnh Vĩnh Long, theo thống kê, tổng số tiền nợ thuế tính đến ngày 31/8/2016 là 448 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng thu là 281,9 tỷ đồng; nợ khó thu là 166,1 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Giải thích về thực trạng nợ thuế tại địa phương, ông Phan Hữ Phúc, Trưởng phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế - Cục Thuế tỉnh Vĩnh Long đã nêu một số khoản nợ thuế có khả năng thu. Cụ thể: 10 tỷ đồng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, do ngân sách chưa thanh toán cho doanh nghiệp (DN). Một khoản khác 5 tỷ đồng phát sinh từ tiền thuê đất trong chủ trương ưu tiên cổ phần hóa của tỉnh, nhưng do thực hiện không đúng quy định nên số tiền trên bị Kiểm toán Nhà nước yêu cầu DN phải nộp lại vào ngân sách và không được xóa nợ. Hiện tại, UBND tỉnh Vĩnh Long đang tìm phương án để giải quyết số nợ trên.
“Số nợ còn lại thuộc một số DN đang hoạt động, nhưng trong tình trạng “chết lâm sàng”, không còn khả năng nộp thuế, trong khi tỷ lệ 0,3% tiền phạt nộp chậm theo kỳ nộp thuế vẫn áp dụng, đã góp phần nâng tổng số tiền nợ thuế nhóm có khả năng thu”, ông Phúc nói.
Cũng theo ông Phúc, đối với những khoản nợ thuế khó thu từ DN, việc xử lý thu hồi đã diễn ra trong nhiều năm qua và hiện tại cơ quan thuế đang gặp khó, do DN không còn tài sản hoặc chủ DN không còn cư trú tại địa phương. Trường hợp DN còn tồn tại, cơ quan thuế Vĩnh Long thực hiện cưỡng chế cũng không mang lại hiệu quả và chỉ mang tính hình thức theo quy định pháp luật, vì tài sản DN đã thế chấp ngân hàng, tài khoản trong ngân hàng trống rỗng; còn áp dụng biện pháp thu hồi giấy phép kinh doanh thì vừa không thu được nợ thuế, vừa ảnh hưởng tới môi trường đầu tư và phát triển DN tại địa phương…
Cần sự quyết liệt từ chính quyền
Theo ông Đặng Văn Danh, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Vĩnh Long, ngay từ đầu năm, cơ quan này đã đề ra nhiều giải pháp tập trung giảm nợ thuế trên địa bàn nhằm mục tiêu hạ tổng mức nợ thuế không vượt quá 5% tổng thu nội địa năm 2016. Các giải pháp bao gồm: Rà soát, đôn đốc thu ngay các khoản tiền nợ thuế có khả năng thu 90 ngày và trên 90 ngày, không để người nộp thuế cố tình chây ỳ, chiếm dụng tiền thuế; tích cực tuyên truyền, vận động, để người nộp thuế tự giác nộp thuế đúng, đủ, kịp thời; hỗ trợ thực hiện các chính sách gia hạn tiền thuế, nộp dần tiền thuế, giảm, miễn, xóa nợ thuế; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các DN, cá nhân nợ tiền thuế; huy động ngay các khoản thu theo quyết định thanh tra, kiểm tra….
Trước đó, kể từ năm 2015, tỉnh Vĩnh Long đã thành lập Ban chỉ đạo thu hồi nợ thuế từ tỉnh đến các huyện. Tuy nhiên, ông Đặng Văn Danh cho rằng, việc xử lý thu hồi tiền nợ thuế cần sự quyết liệt từ cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương. Nhất là cương quyết cưỡng chế những DN, hộ kinh doanh nợ thuế trên 90 ngày; đôn đốc thu các khoản nợ thuế từ 1 ngày đến 60 ngày để hạn chế phát sinh nợ thuế mới.
“Cục Thuế Vĩnh Long hiện đang áp dụng các biện pháp như thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng của những DN nợ thuế lớn, nợ quá hạn. Trường hợp đã hết 1 năm, nhưng không thể thực hiện biện pháp cưỡng chế tiếp theo thì tiếp tục thông báo hóa đơn DN không còn giá trị sử dụng thêm 1 năm nữa. Đồng thời tích cực truy tìm hồ sơ, tài liệu xử lý số tiền nợ khó thu trong các trường hợp người nộp thuế đã chết, mất tích, liên quan vụ án hình sự để lập thủ tục xóa nợ thuế cho nhóm đối tượng này... nhằm mục đích kéo giảm tổng nợ thuế”, ông Danh nói.