Vốn hóa thị trường chứng khoán tương đương 82,2% GDP

PV.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng thần tốc trong quý I/2018. Chỉ số VN-Index tháng 3 so với tháng trước đã tăng khoảng 19%, mức vốn hóa thị trường tăng 17% so với cuối 2017, tương đương khoảng 82,2% GDP (chưa tính trái phiếu).

Chỉ số VN-Index tháng 3 so với tháng trước đã tăng khoảng 19%, mức vốn hóa thị trường tăng 17% so với cuối 2017, vào khoảng 82,2% GDP. Nguồn: Internet
Chỉ số VN-Index tháng 3 so với tháng trước đã tăng khoảng 19%, mức vốn hóa thị trường tăng 17% so với cuối 2017, vào khoảng 82,2% GDP. Nguồn: Internet

Có thể thấy, đà tăng thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ ngay từ những phiên giao dịch đầu năm và vượt đỉnh lịch sử 11 năm ở mốc 1170 điểm.

Cụ thể, kết thúc quý I/2018, chỉ số VN-Index đạt 1.174,46 tăng 19,33% so với cuối năm 2017 và đứng đầu thế giới về mức tăng trưởng. Thị trường hiện có 741 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sàn, 723 cổ phiếu đăng ký giao dịch. Tương tự, HNX-Index tăng 13,35% lên 132,46 điểm, UPCoM tăng 10,5%.

Vốn hóa cả ba sàn HOSE, HNX và UPCoM đã có sự thay đổi khá lớn. Kết thúc quý I vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt 4,16 triệu tỷ đồng (183 tỷ USD), tăng 18,4% so với thời điểm cuối năm 2017.

Trong đó, sàn HOSE vẫn chiếm 76,6% tổng vốn hóa toàn thị trường và đạt gần 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2017. Trong khi đó, vốn hóa tại sàn UPCoM gấp hơn 3 lần sàn HNX, đạt 736,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với 2017. Vốn hóa sàn HNX đạt 238 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8%.

Thứ tự về vốn hóa của các cổ phiếu cũng ghi nhận sự thay đổi rất lớn. Cổ phiếu VIC đã chấm dứt sự thống trị của VNM khi vượt qua cổ phiếu này trở thành mã có vốn hóa lớn nhất thị trường với 309.139 tỷ đồng, trong khi vốn hóa của VNM là 294.607 tỷ đồng. Vốn hóa của VIC trong 3 tháng đầu năm đã tăng 52%, trong khi VNM giảm 2,7%.

Thanh khoản của thị trường thời gian qua cũng có sự tăng trưởng đáng kể. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 20 tỷ cổ phiếu, tăng 13% so với quý trước, tương ứng tổng giá trị giao dịch đạt 523.964 nghìn tỷ đồng, tăng 23,4%.

Sàn HOSE vẫn chiếm tỷ lệ giao dịch lớn nhất trong ba sàn nhưng mức tăng trưởng lại nhỏ nhất, khối lượng giao dịch sàn HOSE đạt hơn 14,5 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị là 422,4 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 11,4% về khối lượng và 21,7% về giá trị. Trong khi đó, tăng trưởng về khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch tại sàn HNX lần lượt là 17% và 35,2%, còn tại UPCoM là 16,3% và 23,2%.

Tại phiên Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, chia sẻ về các giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán, trong đó có việc đưa các doanh nghiệp sau IPO lên sàn, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết Bộ Tài chính đã chỉ đạo và triển khai nhiều giải pháp. Hiện nay, Bộ đang dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi trình Chính phủ để trình Quốc hội, tạo điều kiện cho thị trường phát triển hơn.

Thên vào đó, Bộ Tài chính đã công khai hơn 700 doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết. Sau khi công khai, hơn 1/2 số doanh nghiệp đã thực hiện niêm yết, các doanh nghiệp còn lại đang chuẩn bị quy trình thủ tục để niêm yết.

Đối với doanh nghiệp nhà nước, hiện Bộ Tài chính cũng đang triển khai các giải pháp để thúc đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và thoái vốn, tạo nguồn cung cho thị trường, phát triển đa dạng các sản phẩm chứng khoán… Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, giám sát để xử lý nghiêm vi phạm của các doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy thị trường chứng khoán ngày càng lành mạnh hơn và phát triển tốt.

Mục tiêu tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu vào năm 2020 là 70% GDP. Tuy nhiên theo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước  năm 2018, Bộ Tài chính cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được mức này trong năm 2017.