Vụ kiện 41 tỷ đồng: Nên "siết" Grab hay "cởi trói" taxi?
Ý kiến chuyên gia cho rằng, công nghệ chưa phải là lý do duy nhất khiến Grab vượt trội hơn Vinasun, ít nhất còn hai lý do khác và có thể Grab đã cạnh tranh không lành mạnh.
Xung quanh câu chuyện Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đề nghị toà buộc Grab bồi thường cho Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) 41,2 tỷ đồng theo yêu cầu của nguyên đơn, các chuyên gia đang có nhiều ý kiến khác nhau. Nhìn rộng hơn, câu chuyện về cách thức quản lý các loại hình kinh doanh này cũng đang gây ra nhiều tranh cãi.
Các ý kiến đều cho rằng cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch cho các doanh nghiệp, nhưng khi đi vào quy định cụ thể thì các ý kiến lại rất khác nhau.
Bên cạnh những ý kiến cho rằng cần siết chặt quản lý Uber, Grab, các hãng này phải chịu các điều kiện kinh doanh như taxi, thì cũng có những ý kiến đề nghị cần cắt bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý đang được áp dụng với taxi, như quy định về niên hạn xe hay quy định taxi không được đi vào các tuyến đường…, các quy định này các xe Grab hay Uber không phải áp dụng.
Không cân xứng
Bình luận về vụ Vinasun kiện Grab, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, công nghệ chưa phải là lý do duy nhất khiến Grab vượt trội hơn Vinasun, ít nhất còn hai lý do khác.
Lý do thứ nhất, chi phí tuân thủ pháp luật của Grab và Vinasun là không cân xứng.
Vinasun phải tuân thủ một loạt quy định trong khi Grab thì không, bao gồm: taxi phải có mào và phải đăng ký mầu sơn; taxi phải có đồng hồ tính tiền và phải được kiểm định định kỳ; taxi có niên hạn ngắn hơn, có thời hạn đăng kiểm ngắn hơn; taxi phải gắn thiết bị giám sát hành trình và gửi dữ liệu về Sở Giao thông vận tải, sở có thể trích xuất dữ liệu để xử phạt lái xe khi chạy quá tốc độ hoặc lái xe quá 4 tiếng không nghỉ.
Bên cạnh đó, taxi phải đăng ký giá cước với sở tài chính, muốn điều chỉnh giá cước phải báo trước 15 ngày, chứ không linh hoạt theo từng giây như Grab; số lượng xe taxi bị giới hạn bởi quy hoạch của mỗi tỉnh, không thể tự do thêm bớt xe như Grab, taxi phải đóng bảo hiểm cho tài xế…
Lý do thứ hai xảy ra nếu Grab cạnh tranh không lành mạnh hoặc lạm dụng vị trí thống lĩnh. Một trong những hành vi bị cấm trong Luật Cạnh tranh là: Bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh.
Thực tế cho thấy, trước khi sáp nhập Uber, Grab có chính sách giá cước rẻ như cho.
"Nếu chỉ vì lý do tiến bộ công nghệ, Grab khó mà có thể rẻ được như vậy. Mức giá quá thấp thời gian trước của Grab khiến nhiều người phải đặt câu hỏi. Nếu thực sự họ đang 'bán phá giá' nhằm tiêu diệt đối thủ cạnh tranh thì đối thủ cạnh tranh có quyền khởi kiện đòi bồi thường", ông Đức nói.
Do đó, chuyên gia Nguyễn Minh Đức cho rằng, mấu chốt của vấn đề là xác định hai lý do trên có tồn tại không và nếu tồn tại thì đóng góp bao nhiêu % vào thiệt hại của Vinasun.
Ở lý do thứ nhất, ông Đức khẳng định chắc chắn đang tồn tại. Thực tế thì thời gian qua, khi sửa Nghị định số 86, Vinasun đã vận động mạnh mẽ để không còn sự bất bình đẳng giữa hai loại hình taxi. Tuy nhiên, điều chưa hợp lý là thay vì vận động Bộ Giao thông vận tải (GTVT) gỡ bỏ rào cản cho mình, Vinasun lại đang vận động Bộ "quàng" thêm các rào cản cho Grab.
Lý do thứ hai, theo ông Đức, cần phải xác định thêm nhiều yếu tố mới có thể kết luận. Tuy nhiên, đây là nội dung quan trọng cần phải làm sáng rõ trước khi hội đồng xét xử phán quyết vụ việc.
Đồng quan điểm, TS. Lương Hoài Nam cho rằng, thay vì kiện Grab, Vinasun nói riêng và các công ty taxi truyền thống nói chung nên ngồi xem lại bị ràng buộc chỗ nào, sau đó làm việc với cơ quan quản lý nhà nước để tháo gỡ môi trường kinh doanh. Phải tự cởi trói cho mình để có sự tự do tối đa, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Chẳng hạn, quy định hạn chế taxi đi vào một số tuyến phố giờ cao điểm là bất hợp lý, tréo ngoe. Cái cần hạn chế là xe cá nhân chứ không phải phương tiện giao thông công cộng.
Bên cạnh đó, bản thân taxi tuyền thống cũng phải ứng dụng công nghệ như Grab hay Uber đang làm để thay đổi, làm mới, thu hút người tiêu dùng đến với mình. Kinh nghiệm ở các quốc gia khác cho thấy, các công ty taxi truyền thống vẫn sống rất khoẻ, cạnh tranh lành mạnh với Grab hay Uber vì họ đã biết ứng dụng công nghệ vào quá trình đặt xe, di chuyển xe…
Trước đó, chiều ngày 23/10, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.Hồ Chí Minh đã đề nghị toà án chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Vinasun, buộc Grab bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng. Hội đồng xét xử quyết định sẽ nghị án kéo dài và tuyên án vào ngày 29/10 tới.
Bộ Giao thông vận tải muốn quản Grab như taxi
Trong một diễn biến liên quan, Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo đó, có tới 18 điều khoản trong dự thảo Nghị định trình Chính phủ vào tháng 7/2018 đã được bỏ hoặc chỉnh sửa.
Đáng chú ý, trong nội dung quản lý xe sử dụng hợp đồng điện tử, tiêu biểu là Grab, Bộ GTVT đề xuất không còn khái niệm xe taxi điện tử.
Trong báo cáo mới đây, Bộ GTVT cho rằng, xe dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng điện tử sử dụng hợp đồng vận tải điện tử so với hoạt động của taxi có nhiều điểm tương đồng và cần có quy định chung để quản lý như nhau nhằm đảm bảo công bằng, công khai minh bạch và chịu quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh như nhau.
Vì vậy, Bộ GTVT đồng thuận với phương án xe chở khách dưới 9 chỗ có ứng dụng phần mềm tiêu biểu như Grab sẽ được quản lý như xe taxi (phương án này sẽ bỏ quy định xe taxi điện tử) và bổ sung, làm rõ khái niệm về kinh doanh xe taxi như sau: “Kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi là việc sử dụng ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (gồm cả lái xe) để vận chuyển hành khách, có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; cước chuyến đi được tính theo đồng hồ tính tiền hoặc tính theo phần mềm đặt xe kết nối với hành khách thông qua môi trường mạng.
Bộ GTVT cho biết, theo phương án này, toàn bộ ôtô có sức chứa dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày Nghị định này có hiệu lực phải quy định lộ trình thực hiện cấp đổi phù hiệu taxi và thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh của taxi.
Trong trường hợp quy định này được thông qua, toàn bộ các xe đang kết nối phần mềm điện tử như Grab sẽ phải gắn phù hiệu “xe TAXI”; niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe. Đặc biệt, phải gắn hộp đèn trên nóc như taxi truyền thống. Các xe Grab cũng phải chịu các ràng buộc về niên hạn như taxi; tiêu chuẩn lái xe; kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã và phải niêm yết giá như taxi.