Vụ rò rỉ Tài liệu Panama: Phơi bày những lỗ hổng
Sau vụ rò rỉ Tài liệu Panama, một số Chính phủ đã cam kết mở các cuộc điều tra đối với những cá nhân có tên trong danh sách khách hàng của Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama, chuyên tạo ra các công ty bình phong ở nước ngoài nhằm giúp khách hàng trốn thuế. Đây chỉ được xem như phần nổi của tảng băng chìm, bởi vụ rò rỉ còn cho thấy lỗ hổng trong hệ thống pháp luật của các nước nhằm chống gian lận thuế, rửa tiền.
Những “thiên đường thuế”
Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhóm 20 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) đã nhất trí đẩy mạnh minh bạch tài chính, nhằm chống vi phạm luật thuế và rửa tiền. Biện pháp này đã đạt được nhiều kết quả, khi những nơi từng được xem là thiên đường trốn thuế như Thụy Sĩ; Luxembourg; Bermuda, quần đảo Caymann và các đảo Jersey, Guernsey của Anh; Singapore hay Hong Kong… có nhiều tiến bộ trong thực hiện cam kết minh bạch hóa nhằm chống rửa tiền. Hầu hết các nước tham gia thỏa thuận đạt được giữa các nước G20, chỉ trừ Panama. Cơ chế quản lý lỏng lẻo, lịch sử quan hệ giữa lãnh đạo với các băng đảng là hai trong nhiều yếu tố biến Panama thành nơi lý tưởng để giới nhà giàu hoặc tội phạm che giấu tài sản, hòng trốn thuế hay rửa tiền.
Những tiết lộ gây chấn động của Tài liệu Panama mới đây còn cho thấy, những biện pháp mà nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đang thực hiện là chưa đủ, và còn những lỗ hổng trong hệ thống pháp luật nhằm ngăn chặn sự lưu thông của tiền bẩn. Trong số các tài liệu của Công ty luật Mossack Fonseca, được Liên đoàn Phóng viên điều tra quốc tế (ICIJ) công bố, có tài liệu cho biết, hơn 500 ngân hàng và các chi nhánh trên thế giới như Credit Suisse (Thụy Sĩ), UBS (Thụy Sĩ), Coutts (London, Anh), đã sử dụng dịch vụ của Mossack Fonseca để lập ra các công ty bình phong ở nước ngoài, nhằm giúp khách hàng tại hàng trăm ngân hàng trên thế giới che giấu tài sản.
Trong đó, ngân hàng HSBC và các chi nhánh của ngân hàng này sở hữu hơn 2.300 trong tổng số 15.600 công ty bình phong. Tài liệu Panama tiết lộ, trong tổng số 200.000 công ty nước ngoài do công ty Mossack Fonseca lập ra cho khách hàng, có đến hơn nửa số công ty được đăng ký tại quần đảo Virgin, lãnh thổ hải ngoại của Anh ở biển Caribe. Thông tin này đã làm suy giảm nghiêm trọng uy tín của Thủ tướng Anh David Cameron, bởi nhà lãnh đạo này từng mạnh mẽ tuyên bố, Chính phủ Anh sẽ quét sạch những nơi ẩn náu hành vi trốn thuế.
Cần biện pháp hiệu quả hơn
Bộ trưởng Tài chính Đức cho rằng, vụ rò rỉ Tài liệu Panama đã làm gia tăng sức ép lên Chính phủ các nước, nhằm chấm dứt tình trạng trốn thuế, gian lận thuế và đòi hỏi có biện pháp chống rửa tiền hiệu quả hơn, như siết chặt quản lý các công ty, quỹ đầu tư nước ngoài. Mặc dù việc thành lập các công ty, quỹ đầu tư nước ngoài là hợp pháp, song những công ty này có thể được dùng làm công cụ để che giấu tài sản, rửa tiền hoặc trốn thuế.
Sau vụ rò rỉ Tài liệu Panama, vấn đề về bảo mật tài chính và các biện pháp chống gian lận thuế, rửa tiền được giới hoạch định chính sách và các chuyên gia dành nhiều sự quan tâm. Đức hiện đang lên kế hoạch thiết lập hệ thống đăng ký minh bạch quốc gia, trong đó quy định bắt buộc các công ty ở nước ngoài phải khai rõ danh tính của chủ sở hữu với cơ quan chức năng. Truyền thông Đức tiết lộ, gần 30 ngân hàng tại nước này, trong đó có cả những ngân hàng lớn như Deutsche Bank và Commerbank, có liên quan tới hoạt động trốn thuế và rửa tiền, với sự trợ giúp của công ty luật Mossack Fonseca ở Panama. Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas nhấn mạnh, tăng cường minh bạch hóa là một phần của cuộc chiến chống gian lận thuế và khủng bố tài chính. Ủy ban châu Âu cũng dự định, trong tuần tới, sẽ đưa ra dự luật chống gian lận và trốn thuế, được xây dựng suốt 5 năm qua. Dự luật này sẽ yêu cầu các tập đoàn lớn phải kê khai rõ số tiền đóng thuế tại từng nước thành viên.
Bộ Tài chính Mỹ cho hay, Mỹ dự định sớm ban hành quy định buộc các ngân hàng phải công bố danh tính của người đứng sau các công ty bình phong sở hữu các tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, luật sư làm việc với Hiệp hội ngân hàng Mỹ Rob Rowe cho rằng, biện pháp mới sẽ không mấy hiệu quả, bởi các ngân hàng có thể thu thập những thông tin này, song hiện chưa có cơ chế nào để giúp các ngân hàng kiểm chứng hoặc cập nhật thông tin về chủ sở hữu của các công ty và quỹ đầu tư ở nước ngoài. Các nhà phân tích cho rằng, bên cạnh việc siết chặt quản lý các công ty và quỹ đầu tư ở nước ngoài, các nước cần tăng cường hơn nữa hoạt động trao đổi thông tin trong chống gian lận thuế và rửa tiền.