Xác định giá trị doanh nghiệp: Vấn đề mấu chốt trong cổ phần hóa
Xác định giá trị doanh nghiệp trong cổ phần hóa là vấn đề hết sức quan trọng, quyết định sự thành công khi chuyển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sang cổ phần hóa. Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, để xác định đúng giá trị doanh nghiệp đòi hỏi việc thực hiện phải chính xác, công khai, minh bạch.
Tăng thêm 20.818 tỷ đồng qua kiểm toán
Hiện nay, cơ chế chính sách về cổ phần hóa DNNN đã được ban hành đầy đủ, đồng bộ và được điều chỉnh, bổ sung kịp thời cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Các nghị định được ban hành đã kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn khi cổ phần hóa DNNN. Đặc biệt các quy định về xác định giá trị doanh nghiệp được hoàn thiện theo hướng xác định đầy đủ và chính xác hơn nhằm hạn chế tối đa khả năng thất thoát vốn và tài sản nhà nước.
Trong giai đoạn 2011-2015, cả nước đã có 508 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa; số lượng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có quy mô vốn lớn được cổ phần hóa đã nhiều hơn, trong đó có cả những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hàng không, dệt may, ngân hàng…
Tại Hội thảo quốc tế Xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa và vai trò của Kiểm toán Nhà nước do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) phối hợp tổ chức ngày 21/8, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2016, KTNN đã tiến hành kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi cổ phần hóa 7 doanh nghiệp, đã xác định vốn nhà nước tăng thêm 20.818 tỷ.
Bên cạnh những doanh nghiệp thoái vốn thành công với giá trị thu được tương xứng, việc xử lý các vấn đề tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp và giá trị phần vốn nhà nước tại đơn vị để cổ phần hóa cơ bản đã tuân thủ theo quy định, KTNN cũng đã chỉ ra nhiều nhiều tồn tại, hạn chế trong việc xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, nhất là việc lựa chọn phương pháp định giá, xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất…
Do vậy, theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, công tác kiểm toán, xác định giá trị doanh nghiệp cần được nghiên cứu, xem xét từ đó có cách thức tổ chức kiểm toán hiệu quả hơn, qua đó góp phần kiểm soát chặt chẽ quá trình cổ phần hóa DNNN, chống thất thoát tài sản khi cổ phần hóa.
Kẽ hở pháp lý
Theo Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính Phạm Văn Đức, vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập phát sinh khi xác định giá trị doanh nghiệp. Theo đó, việc xác định giá trị doanh nghiệp để tiến hành cổ phần hóa hiện nay mới dừng lại ở 2 phương pháp cơ bản là tài sản và dòng tiền chiết khấu.
Trong đó, phương pháp dòng tiền chiết khấu chỉ áp dụng với các doanh nghiệp thống kê được các chỉ tiêu tài chính trong thời gian hoạt động trước khi xác định giá trị doanh nghiệp tối thiểu là 5 năm và có kế hoạch sản xuất kinh doanh trong 5 năm sau cổ phần hóa; có tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn nhà nước bình quân 5 năm liền kề trước khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa cao hơn lãi suất của trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm được phát hành tại thời điểm gần nhất với thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp. Do vậy, trong một số trường hợp còn mang tính chủ quan dẫn đến kết quả chưa phản ánh đúng giá trị thực của doanh nghiệp.
Đồng quan điểm này, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa chưa hoàn chỉnh. Theo thông lệ quốc tế, việc xác định giá trị doanh nghiệp phổ biến hiện nay ở các nước đang áp dụng gồm 5 phương pháp. Trong khi ở nước ta mới chỉ dừng lại ở 2 phương pháp.
Còn các phương pháp khác là phương pháp nào, theo thông lệ quốc tế thì chưa được hướng dẫn cụ thể để bảo đảm chặt chẽ về pháp lý, ngăn ngừa rủi ro trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp. Rõ nhất là trong các quy định hiện hành vẫn còn những vướng mắc chưa được hướng dẫn chi tiết như vấn đề xử lý tài chính, đánh giá lại giá trị thị trường các tài sản có trong doanh nghiệp; đặc biệt là giá trị quyền sử dụng đất…
Dù phương pháp tài sản có nhiều ưu điểm, nhưng phương pháp này cũng bộc lộ không ít khiếm khuyết do đánh giá doanh nghiệp trong “trạng thái tĩnh”, ít chú ý đến việc còn có thể hoàn chỉnh, phát triển trong tương lai, nên nhiều trường hợp không phản ánh sát thực tế, bỏ qua giá trị vô hình dẫn đến giảm giá trị tài sản, làm “méo mó” giá trị doanh nghiệp ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của Nhà nước.
Điều này đã được minh chứng bằng kết quả kiểm toán của KTNN. Năm 2016, KTNN đã tiến hành kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp để cổ phần hóa của 7 đơn vị thì đã xác định vốn Nhà nước tăng thêm tại 6 doanh nghiệp theo phương pháp tài sản là 4.625 tỷ đồng.
Nếu tổng hợp cả số liệu của 2 đơn vị đủ điều kiện định giá theo phương pháp dòng tiền chiết khấu thì giá trị vốn nhà nước tại 6 doanh nghiệp tăng lên đến 13.698 tỷ đồng.
Để tiếp tục hoàn thiện việc xác định giá trị doanh nghiệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, cần có cơ chế khuyến khích việc sử dụng nhiều phương pháp xác định giá khác nhau để xác định giá trị doanh nghiệp.
Cần thiết quy định khi xác định giá trị doanh nghiệp phải áp dụng ít nhất 2 phương pháp (một phương pháp chính và một phương pháp có tính chất kiểm tra, đối chiếu). Trong số ít nhất 2 phương pháp áp dụng bắt buộc phải áp dụng phương pháp tài sản, coi kết quả xác định giá từ phương pháp này như là giá doanh nghiệp tối thiểu (giá sàn).