Xác định tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại đối với xã nông thôn mới

Ngọc Ánh

Trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Hướng dẫn thực hiện và xét công nhận tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.

Hướng dẫn này quy định về yêu cầu, tiêu chí xem xét, đánh giá và công nhận xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, bao gồm: Chợ nông thôn và cơ sở bán lẻ khác (siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp).

Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn

Hướng dẫn nêu rõ, chợ nông thôn đạt tiêu chí khi đáp ứng các yêu cầu về mặt bằng, diện tích xây dựng chợ: Có mặt bằng phù hợp với quy mô hoạt động; bố trí đủ diện tích cho các hộ kinh doanh cố định, không cố định và các dịch vụ thiết yếu tại chợ; Diện tích tối thiểu cho một điểm kinh doanh trong chợ là 3m2. Về kết cấu nhà chợ chính, nhà chợ chính phải bảo đảm được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố theo quy định; Nền chợ phải được cứng hóa.

Về yêu cầu đối với các bộ phận phụ trợ và kỹ thuật công trình, có bảng hiệu thể hiện tên chợ, địa chỉ và số điện thoại liên hệ của đại diện tổ chức quản lý chợ; Có khu vệ sinh bố trí nam, nữ riêng, phù hợp với quy mô của chợ; Có địa điểm trông giữ xe (ngoài trời hoặc có mái che) đáp ứng và phù hợp nhu cầu mua, bán tại chợ, đảm bảo an toàn, trật tự; Khu bán thực phẩm tươi sống, khu dịch vụ ăn uống được bố trí riêng, bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm.

Đồng thời, có nước sạch, nước hợp vệ sinh bảo đảm cho hoạt động của chợ; Có phương án và hệ thống cấp điện theo quy định đảm bảo cho hoạt động của chợ; Có khu thu gom, lưu chứa rác và kế hoạch vận chuyển rác trong ngày về khu xử lý tập trung của địa phương; Có hệ thống rãnh thoát nước bảo đảm tiêu thoát, dễ dàng thông tắc; Có thiết bị và phương án bảo đảm phòng cháy, chữa cháy cho chợ theo quy định.

Về điều hành quản lý chợ, có tổ chức quản lý chợ; việc tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý thực hiện theo quy định; Nội quy chợ được niêm yết công khai để điều hành hoạt động, xử lý vi phạm tại chợ; sử dụng cân đối chứng, thiết bị đo lường phù hợp để người tiêu dùng tự kiểm ưa về số lượng, khối lượng hàng hóa.

Các hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại chợ không thuộc danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đối với các hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện phải đảm bảo đáp ứng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo Hướng dẫn, siêu thị mini ở nông thôn đạt tiêu chí khi đáp ứng các yêu cầu sau: Có bảng hiệu thể hiện tên siêu thị, địa chỉ và số điện thoại liên hệ của đại diện tổ chức, cá nhân quản lý; Có thời gian mở cửa phù hợp cho việc mua sắm hàng ngày của người dân; Có diện tích kinh doanh tối thiểu là 200m2; có bố trí nơi để xe hoặc phương án trông giữ xe và khu vệ sinh phù hợp cho khách hàng; Danh mục hàng hóa kinh doanh từ 500 tên hàng trở lên; hàng hóa được tổ chức, bố trí theo ngành hàng, nhóm hàng một cách văn minh, khoa học, thuận lợi cho việc mua sắm, thanh toán, kiểm tra, theo dõi và quản lý.

Bên cạnh đó, siêu thị mini cần đáp ứng yêu cầu có kho, các thiết bị kỹ thuật cần thiết cho bảo quản hàng hóa (tủ đông, tủ mát...); cho đóng gói, bán hàng (giá, kệ, giỏ, móc treo...); cho thanh toán và quản lý kinh doanh (thiết bị và phần mềm quản lý...); có nơi bảo quản hành lý cá nhân. Các công trình kiến trúc được xây dựng vững chắc, có trang bị kỹ thuật đảm bảo việc phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường theo quy định. Hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại siêu thị mini không thuộc danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đối với hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện phải đảm bảo đáp ứng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đối với cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp, phải có bảng hiệu thể hiện tên cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp, địa chỉ và số điện thoại liên hệ của đại diện tổ chức quản lý; thời gian mở cửa phù hợp cho việc mua sắm hàng ngày của người dân; diện tích kinh doanh tối thiểu là 50m2 và có nơi để xe với quy mô phù hợp; Danh mục hàng hóa kinh doanh từ 200 tên hàng trở lên; Có bố trí quầy hoặc khu vực phù hợp để trưng bày hoặc bán hàng hóa nông sản của địa phương; công trình kiến trúc được xây dựng vững chắc, đảm bảo các yêu cầu về an toàn, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, thuận tiện cho khách hàng.

Cùng với đó, cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp phải đáp ứng yêu cầu có trang thiết bị cần thiết (tủ đông, tủ mát, kệ, giá...); Tổ chức, bố trí, sắp xếp và ghi chép hàng hóa một cách văn minh, khoa học, thuận lợi cho việc mua sắm, theo dõi, kiểm tra, quản lý. Hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp không thuộc danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đối với các hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện phải đảm bảo đáp ứng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Xét công nhận xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn

Theo Hướng dẫn, xã được công nhận đạt Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn khi đáp ứng có chợ nông thôn nằm trong quy hoạch, kế hoạch phát triển, định hướng phát triển và đạt chuẩn theo quy định trên. Trường hợp xã không có chợ nông thôn phải có siêu thị mini hoặc cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp đạt chuẩn theo quy định.

Việc xét, công nhận xã đạt Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn được thực hiện theo thứ tự ưu tiên: Xã có “Chợ nông thôn” được ưu tiên xét, công nhận trước; Trường hợp xã không có “Chợ nông thôn” thì “Cơ sở bán lẻ khác” được đưa ra để xem xét, đánh giá và xét công nhận.

Trường hợp xã không có cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn hoặc có cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng do nhu cầu thực tế chưa cần đầu tư xây dựng thì không xem xét Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Việc xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới được thực hiện trên cơ sở xem xét, đánh giá các tiêu chí còn lại trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Bộ Công Thương cũng hướng dẫn cụ thể về xét công nhận xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn nâng cao. Theo đó, đối với xã có chợ nông thôn, xã được công nhận đạt Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn nâng cao khi đáp ứng điều kiện là x xã có chợ đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn theo quy định. Đồng thời, có mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm đáp ứng các yêu cầu chung theo tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm được quy định tại TCVN 11856:2017.

Hoặc là xã có chợ đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn theo quy định và có ít nhất một khu vực kinh doanh đáp ứng yêu cầu đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm tại chợ quy định tại TCVN 11856:2017.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ hướng dẫn của Bộ Công Thương để lựa chọn, xây dựng bộ tiêu chí và đánh giá xét công nhận cho phù hợp với điều kiện thực tiễn phát triển của địa phương.

Hướng dẫn nêu rõ, trường hợp xã không có chợ nông thôn hoặc có chợ nông thôn trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng do nhu cầu thực tế chưa cần đầu tư xây dựng thì không xem xét Tiêu chí cơ sở hạ tầng nông thôn mới nâng cao. Việc xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao được thực hiện trên cơ sở xem xét, đánh giá các Tiêu chí còn lại trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao.