Xây dựng Luật thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp
Sáng 17/3/2023, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo về “Định hướng xây dựng Luật thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp”. Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn chủ trì Hội thảo.
Xây dựng Luật đảm bảo bám sát, thống nhất nội dung tại các dự án luật quan trọng đang sửa đổi
Tham gia hội thảo có ông Bùi Tuấn Minh – Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), hơn 50 đại biểu gồm đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, UBND TP. Hà Nội; một số Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước; Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính... Đây là hội thảo thứ ba được tổ chức trong chương trình xây dựng Luật thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, thực hiện sự phân công của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đánh giá, tổng kết thi hành Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN (sửa đổi) (Luật số 69/2014/QH13) và xây dựng Hồ sơ đề nghị đưa dự án Luật này vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023 báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“Mục tiêu đặt ra nhằm sửa đổi toàn diện, ban hành luật kịp thời để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, thực hiện các yêu cầu tại nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ và của thực tiễn. Bên cạnh đó, việc xây dựng dự thảo luật đảm bảo bám sát, thống nhất nội dung tại các dự án luật quan trọng đang sửa đổi, bổ sung (Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, định hướng sửa Luật NSNN…) và giải quyết được các tồn tại trong quản lý, quản trị DNNN, đổi mới phân cấp mạnh gắn với quản lý hiệu quả, nâng cao giá trị vốn nhà nước đầu tư tại DN theo nguyên tắc thị trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập, khắc phục được những bất cập trong thời gian qua.”, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.
Để hoàn thiện nội dung các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn đề nghị một số cơ quan đại diện chủ sở hữu, Tập đoàn, Tổng công ty đưa ra ý kiến tham gia đối với hồ sơ đề xuất xây dựng Luật, trọng tâm là một số nội dung gợi ý của Bộ Tài chính về: (i) Tên và phạm vi điều chỉnh của Luật; (ii) Đối tượng áp dụng, (iii) Về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN; (iv) Về vốn nhà nước đầu tư tại DN.
Trình bày tại Hội thảo về chủ trương, định hướng xây dựng Luật thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN, Cục trưởng Bùi Tuấn Minh cho biết, Ban Soạn thảo dự kiến đề xuất sửa đổi 4 chính sách, bao gồm: Chính sách về đầu tư vốn Nhà nước vào DN; Chính sách về cơ cấu lại vốn Nhà nước tại DN; Chính sách về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN; Chính sách về quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu.
Về nguyên tắc, quan điểm xây dựng Luật, ông Bùi Tuấn Minh cho hay, xây dựng Luật phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; xác định rõ nội dung, nguyên tắc áp dụng Luật bảo đảm tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các luật khác có liên quan.
Đồng thời, phải kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định pháp luật về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN còn phù hợp với thực tế; Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN gắn với đẩy mạnh phân công, phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và DN.
“Cần tách bạch, phân định rõ chức năng đại diện chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình DN, chức năng quản trị của DN. Các Bộ quản lý ngành thực hiện đúng chức năng tham mưu xây dựng chính sách và ban hành chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành mà không tham gia trực tiếp vào việc sử dụng vốn tại các DN…”, Cục trưởng Bùi Tuấn Minh nhấn mạnh.
Định hướng xây dựng Luật thực sự là bước ngoặt lớn
Phát biểu tại Hội thảo, đại diện Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cho biết, so với Luật số 69/2014/QH13 cũ cũng như những dự thảo trước đây thì định hướng xây dựng Luật lần này thực sự là bước ngoặt lớn và phía Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại DN hoàn toàn đồng thuận.
“Cần làm rõ hơn nữa 3 khái niệm là vốn nhà nước, vốn nhà nước đầu tư tại DN và vốn của DNNN. Việc làm rõ các khái niệm này nhằm đảm bảo tính thống nhất với các Luật đang sửa đổi cũng có các khái niệm tương tự liên quan đến vốn nhà nước”, Đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN nêu.
Nhất trí với chủ trương, quan điểm xây dựng Luật nêu tại Hội thảo, đại diện Tổng công ty Hàng không Việt Nam cho rằng, nội dung đầu tư vốn nhà nước cần bổ sung định hướng đầu tư vào lĩnh vực vận tải hàng không. Đây là một trong những lĩnh vực xương sống giúp thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế chung, kết nối giao thương, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác, góp phần thực hiện các nhiệm vụ an ninh quốc phòng của đất nước. Do vậy, đại diện Tổng công ty Hàng không Việt Nam đề nghị Ban Soạn thảo xem xét bổ sung lĩnh vực vận tải hàng không vào danh mục ngành, lĩnh vực mà Nhà nước cần tiếp tục đầu tư bổ sung vốn để duy trì tỷ lệ sở hữu.
Phát biểu tại Hội thảo, đại diện Bộ Xây dựng kiến nghị Ban Soạn thảo trong quá trình xây dựng Luật cần phải "phân quyền rõ ràng trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu với các DN, năng lực đến đâu phân quyền đến đó, trách nhiệm đến đâu thì phải chịu trách nhiệm đến đó". Đặc biệt, đại diện Bộ Xây dựng bày tỏ quan điểm nhất trí với Ban Soạn thảo khi đề ra nguyên tắc không can thiệp vào quản trị DN.
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, đại diện UBND TP. Hà Nội cho biết: “Về tách bạch chức năng quản lý với nhiệm vụ sử dụng vốn, chúng tôi nhận thấy đây là chủ trương rất đúng đắn. Tuy nhiên, thời gian tới, cơ quan soạn thảo cũng cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện, bổ sung và cụ thể hóa các chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng.”
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi rất thẳng thắn, cởi mở về những quan điểm, định hướng lớn, bao gồm: Đối tượng điều chỉnh của Luật để phù hợp với quy định của mặt bằng pháp luật liên quan, theo nguyên tắc thị trường và tiệm cận với thông lệ tốt của thế giới. Theo đó, đối tượng điều chỉnh ngoài DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ như hiện nay còn bao gồm các DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và có phương thức điều chỉnh phù hợp với tỷ lệ vốn nhà nước tại các DN; Phạm vi đầu tư vốn nhà nước tại DN để phù hợp với vai trò của DNNN trong bối cảnh Việt Nam và và quốc tế giai đoạn tới; Các nguyên tắc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN trong đó: Tách bạch chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước với chức năng quản lý ngành và quản trị DN; Việc áp dụng các nguyên tắc quản trị công ty hiện đại và công khai, minh bạch thông tin…
Nhất là những nội dung liên quan đến nguồn lực của Nhà nước để đầu tư vào DN và nguồn lực hiện có tại tất cả DN; Mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN và định hướng đẩy mạnh cơ chế phân công, phân cấp giữa các chủ thể liên quan; Đổi mới đánh giá hiệu quả hoạt động của DN theo hướng tập trung vào các tiêu chí đánh giá về hiệu quả, bỏ tiêu chí về tuân thủ; Sự cần thiết có các bộ chỉ tiêu đánh giá theo ngành, lĩnh vực để thực hiện vai trò chủ đạo của DNNN; Nghiên cứu sử dụng kết quả đánh giá của bên thứ 3 là các tổ chức đánh giá độc lập…
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn nhấn mạnh: “Bộ Tài chính đánh giá cao ý kiến của các đại biểu tham gia Hội thảo và xin ghi nhận, nghiên cứu để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính mong sẽ tiếp tục nhận được sự phối hợp, tham gia, góp ý của các Bộ, ngành, các địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty trong quá trình xây dựng Luật.”