Xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, tội phạm về thuế
Tháng 1/2023, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 795 cuộc thanh tra, kiểm tra. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 1.213 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách nhà nước là 692 tỷ đồng, bằng 83,3% số tăng thu qua thanh tra, kiểm tra.
1.213 tỷ đồng kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra trong tháng 1/2023
Báo cáo của Tổng cục Thuế về tình hình thực hiện công tác thuế tháng đầu năm 2023 cho thấy, toàn ngành Thuế đã đóng góp vào ngân sách nhà nước ước đạt 165.700 tỷ đồng, đạt 12,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 104,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Đóng góp vào kết quả ấn tượng đó phải kể đến công tác thanh tra, kiểm tra thuế đã được đổi mới toàn diện theo hướng thống nhất, hiện đại, chuyên nghiệp trong thời gian qua. Nhờ đó, đã đóng góp tích cực vào việc tổ chức thực hiện tốt các quy định pháp luật thuế, góp phần chống thất thu cho ngân sách nhà nước và ngăn ngừa, cảnh báo các hành vi trốn thuế, gian lận thuế.
Trong tháng 1/2023, ngành Thuế đã kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra số tiền 1.213 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách nhà nước là 692 tỷ đồng, bằng 83,3% số tăng thu qua thanh tra kiểm tra.
Toàn Ngành thực hiện được 795 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 0,99% kế hoạch năm 2023 và bằng 159,6% so với cùng kỳ; kiểm tra được 1.196 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 134,8% so với cùng kỳ.
Tập trung thực hiện thanh tra, kiểm tra các ngành, lĩnh vực rủi ro cao
Phát huy kết quả đạt được, trong tháng 2/2023 và các tháng tiếp theo, ngành Thuế tập trung thực hiện thanh tra, kiểm tra các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, hoặc có dư địa thu lớn như: doanh nghiệp có giao dịch liên kết, doanh nghiệp thương mại điện tử, bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số và không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam…
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế tại doanh nghiệp kết hợp với việc kiểm tra sử dụng hóa đơn nhằm phát hiện việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp của doanh nghiệp, qua đó xử lý vi phạm về hóa đơn, về thuế theo quy định.
Cơ quan thuế sẽ đảm bảo triển khai thanh tra, kiểm tra đúng trình tự, thủ tục theo quy định tại quy trình thanh tra, kiểm tra thuế; tăng cường kiểm soát tuân thủ đối với hoạt động công vụ của các đoàn, đội và cán bộ thanh tra, kiểm tra để đề phòng, ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm.
Công tác tổ chức giám sát đoàn thanh tra được đẩy mạnh, nhằm thực hiện đúng quy định, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đúng quy trình thanh tra, kiểm tra, tránh tình trạng kéo dài thời gian thanh tra, kiểm tra không có lý do. Cơ quan thuế cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa nhằm rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả, chất lượng thanh, kiểm tra.
Cơ quan thuế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhằm đấu tranh, phòng chống, xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, tội phạm về thuế; tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế theo rủi ro; kiểm tra, rà soát chặt chẽ, hồ sơ khai thuế của người nộp thuế trước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế.
Trong đó, cơ quan thuế sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra trước đối với doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, giảm thiểu thời gian làm việc trực tiếp tại trụ sở người nộp thuế, không gây phiền hà, sách nhiễu người nộp thuế.
Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng, giúp người nộp thuế có thêm nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ quan thuế cũng sẽ đẩy mạnh khâu kiểm soát việc hoàn thuế.
Qua đó, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng chính sách để gian lận, chiếm dụng tiền hoàn thuế, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng theo quy định, chống thất thu đảm bảo thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước.