Định hướng thanh tra, kiểm tra lĩnh vực thuế năm 2023
Bộ Tài chính vừa ban hành Công văn số 10039/BTC-TTr về hướng dẫn, định hướng xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2023. Trong đó, đối với lĩnh vực thuế, Bộ Tài chính yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng, không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách gây thất thoát tiền của ngân sách nhà nước...
Tại Công văn số 10039/BTC-TTr, Bộ Tài chính nêu rõ định hướng xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2023 đối với các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính.
Trong đó, đối với lĩnh vực Thuế, Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Thuế tăng cường quản lý chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng, không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách gây thất thoát tiền của ngân sách nhà nước; thanh tra hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp có hoàn thuế lớn, các doanh nghiệp có dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để đối chiếu, kiểm tra, quản lý việc sử dụng hóa đơn... Thanh tra, kiểm tra thuế, xử lý nợ đọng thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác vào ngân sách Nhà nước.
Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực có dư địa thu lớn hoặc có rủi ro cao (Dầu khí, Xăng dầu, Điện lực, Ngân hàng, Bảo hiểm, Chứng khoán, Cho thuê tài chính, Dược phẩm, Bất động sản...) và các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh (hàng tiêu dùng; kinh doanh bán lẻ; sản xuất, kinh doanh phân bón; sản xuất kinh doanh sản phẩm từ nhựa; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; truyền thông quảng cáo; thương mại điện tử...).
Đồng thời, tập trung thanh tra các tập đoàn, tổng công ty, công ty có phát sinh số thu nộp thuế lớn; các doanh nghiệp quy mô lớn nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra; các doanh nghiệp phát sinh chuyển nhượng vốn, thương hiệu, chuyển nhượng dự án, chia tách, sáp nhập; các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, chuyển giá, kết quả hoạt động kinh doanh lỗ nhiều năm.
Ngành Thuế cũng cần tập trung thanh kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về hoá đơn; các doanh nghiệp có rủi ro về hoàn thuế và các doanh nghiệp có nguồn thông tin rủi ro từ cơ quan Hải quan chuyển sang; các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế theo các Luật thuế và Hiệp định.
Đối với công tác kiểm tra nội bộ của ngành Thuế, tập trung thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra thuế của cơ quan thuế; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoàn thuế giá trị gia tăng; kiểm tra công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; kiểm tra công tác cấp, bán, sử dụng hóa đơn.
Bộ Tài chính lưu ý, ngành Thuế cần kiểm tra tính liêm chính của công chức thuế trong công tác chống thất thu thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản; công tác quản lý, sử dụng tài sản, kinh phí; việc thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Phòng, chống tham nhũng; công tác kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập và giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Tại Công văn số 10039/BTC-TTr ngày 03/10/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2023 phải có trọng tâm, trọng điểm, đúng định hướng, chỉ đạo, không dàn trải; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra hợp lý, hiệu quả...