Xử lý thuế đối với trường hợp hàng hóa thuê, mượn của doanh nghiệp chế xuất
Tổng cục Hải quan vừa có Công văn số 1400/TCHQ-TXNK gửi các Cục Hải quan tỉnh, thành phố để tháo gỡ vướng mắc về việc xử lý thuế hàng hóa thuê, mượn của doanh nghiệp chế xuất. Tại văn bản này, Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể về thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa đi thuê, mượn...
Không được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa đi thuê, mượn
Tổng cục Hải quan cho biết, đối với thuế nhập khẩu đối với hàng hóa đi thuê, mượn thực hiện theo khoản 2 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định: Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Bên cạnh đó, điểm a khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định: Máy móc, thiết bị tạm nhập, tái xuất để thử nghiệm, nghiên cứu phát triển sản phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định hoặc phục vụ gia công cho thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp máy móc, thiết bị dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất được miễn thuế nhập khẩu.
Điểm đ khoản 1 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định, hoàn thuế đối với trường hợp: Người nộp thuế đã nộp thuế đối với máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất, trừ trường hợp đi thuê để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất, khi tái xuất ra nước ngoài hoặc xuất vào khu phi thuế quan.
Tổng cục Hải quan cũng dẫn quy định tại Khoản 9 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Tài chính. Cụ thể, đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng đi thuê, trị giá hải quan là trị giá khai báo được xác định trên cơ sở giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán để thuê hàng hóa và các khoản chi phí khác mà người đi thuê phải trả để đưa hàng hóa đến cửa khẩu nhập đầu tiên, phù hợp với chứng từ, tài liệu có liên quan đến hàng hóa đi thuê. Đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng đi mượn, trị giá hải quan là toàn bộ các chi phí mà người đi mượn phải trả để đưa hàng hóa đến cửa khẩu nhập đầu tiên, phù hợp với các chứng từ, tài liệu có liên quan đến hàng hóa đi mượn.
Theo quy định trên, trường hợp doanh nghiệp nội địa thuê, mượn hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất theo hợp đồng thuê, mượn để phục vụ sản xuất thì doanh nghiệp nội địa không được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH12.
Doanh nghiệp nội địa phải kê khai nộp thuế nhập khẩu khi tạm nhập và không thuộc các trường hợp được hoàn thuế nhập khẩu đã nộp khi tái xuất theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 do là trường hợp đi thuê, mượn. Trị giá tính thuế nhập khẩu đối với hàng hóa đi thuê, mượn thực hiện theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Kê khai nộp thuế GTGT đối với số hàng hóa thuê, mượn
Bên cạnh hướng dẫn về thuế nhập khẩu đối với hàng hóa đi mượn, Tổng cục Hải quan cũng hướng dẫn cụ thể thuế GTGT đối với hàng hóa đi thuê, mượn theo hình thức tạm nhập - tái xuất. Cụ thể, thuế GTGT đối với hàng hóa đi thuê, mượn theo hình thức tạm nhập - tái xuất thực hiện theo khoản 20 Điều 5 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 quy định: Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu...; thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Trên cơ sở các quy định trên, đối với số hàng hóa của doanh nghiệp nội địa đi thuê, mượn của doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp nội địa đã đăng ký tờ khai theo loại hình tạm nhập thì không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.
Trường hợp đã hết thời hạn cho thuê, mượn nhưng doanh nghiệp nội địa tiếp tục sử dụng, không tái xuất thì ngay sau khi hết thời hạn thuê, mượn doanh nghiệp nội địa phải kê khai, nộp thuế GTGT cùng với thuế nhập khẩu trên tờ khai hải quan mới theo quy định tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ.
Trường hợp trong quá trình sử dụng hàng hóa thuê, mượn bị hư hỏng không thể tái xuất, buộc phải tiêu hủy và đã thực hiện thủ tục tiêu hủy theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp nội địa không phải kê khai nộp thuế GTGT đối với số hàng hóa thuê, mượn này.
Liên quan tới việc xử lý số tiền thuế nộp thừa, Tổng cục Hải quan cho biết, theo khoản 1 Điều 60 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định: Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp thì được bù trừ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ hoặc trừ vào số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo hoặc được hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa khi người nộp thuế không còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
Theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 06/2021/TT-BTC ngày 22/1/2021; Khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 131 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 64 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa.
Trường hợp doanh nghiệp thuộc trường hợp được khai bổ sung do khai sai về trị giá tính thuế dẫn đến số tiền thuế đã nộp lớn hơn số tiền thuế phải nộp thì được hoàn trả số tiền thuế nộp thừa khi người nộp thuế không còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra lý do khai bổ sung, tờ khai hải quan, các chứng từ, tài liệu có liên quan để xác định trị giá hải quan và chính sách thuế theo đúng quy định.