Xử phạt vi phạm về giấy phép thành lập và hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán

PV.

Các vi phạm quy định về giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán và hành nghề chứng khoán sẽ bị xử phạt từ 10 triệu đồng đến 500 triệu đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngày 31/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Trong đó, Điều 24 của Nghị định này quy định rõ các mức phạt cụ thể đối với vi phạm quy định về giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán và hành nghề chứng khoán.

Cụ thể, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam không thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy phép thành lập và hoạt động chi nhánh theo quy định pháp luật.

Phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán hoặc công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau: Không sửa đổi, bổ sung hồ sơ đề nghị cấp, điều chỉnh giấy phép, giấy chứng nhận khi phát hiện thông tin không chính xác hoặc bỏ sót nội dung theo quy định phải có trong hồ sơ hoặc khi phát sinh thông tin liên quan đến hồ sơ đã nộp; Tiến hành hoạt động kinh doanh chứng khoán trước ngày chính thức hoạt động.

Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn khi thành lập của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện chuyển nhượng cổ phần hoặc phân vốn góp của mình trong thời gian hạn chế chuyển nhượng.

Bên cạnh đó, cũng sẽ phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Tẩy xoá, sửa chữa làm thay đổi nội dung giấy phép; Mượn, thuê, nhận chuyển nhượng giấy phép hoặc cho mượn, cho thuê, chuyển nhượng giấy phép; không thực hiện hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ chứng khoán với danh nghĩa của chính mình; sử dụng danh nghĩa tổ chức, cá nhân khác hoặc cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng danh nghĩa của mình để kinh doanh, cung cấp dịch vụ chứng khoán.

Phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Thực hiện nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán khi chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép; Hoạt động kinh doanh hoặc cung cấp các dịch vụ chứng khoán hoặc dịch vụ khác phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước khi thực hiện nhưng chưa báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc khi chưa có ý kiến bằng văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc chưa có quy định hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cung cấp dịch vụ chứng khoán không phù hợp với nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán được cấp phép theo quy định tại Điều 86 Luật Chứng khoán; Hoạt động sai mục đích hoặc không đúng nội dung quy định trong giấy phép, giấy chứng nhận hoặc chấp thuận; Tiếp tục hoạt động hoặc thực hiện hành vi bị cấm hoặc hạn chế trong thời gian tạm ngừng hoạt động, đình chỉ hoạt động, chấm dứt hoạt động hoặc bị thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận.

Đặc biệt, phạt tiền từ 400 triệu đồng đến 500 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Lập, xác nhận hồ sơ đề nghị cấp, bổ sung giấy phép thành lập và hoạt động có tài liệu giả mạo hoặc có thông tin sai lệch, sai sự thật hoặc che giấu sự thật; Lập, xác nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh, cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh có tài liệu giả mạo hoặc có thông tin sai sự thật.

Bên cạnh các hình thức xử phạt nghiêm khắc, Điều 24, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP cũng quy định rõ các hình thức xử phạt bổ sung gồm: Đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c khoản 5, khoản 6 Điều 24; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính là giấy phép bị tẩy xóa, sửa chữa đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều 24.

Cùng với các đối tượng vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi cho thuê, chuyển nhượng giấy phép quy định tại điểm b khoản 4 Điều 24; và hủy bỏ thông tin, cải chính thông tin đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều 24 của Nghị định này.