Xuất khẩu 6 tháng: Những tín hiệu mới
(Tài chính) Xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2014 với những tín hiệu tích cực so với cùng kỳ 2013 về nhiều chỉ số, qua đó có thể dự báo kết quả cả năm.
So với cùng kỳ năm 2013, kim ngạch xuất khẩu tăng 14,9%, gấp gần 2,9 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế; tăng cao hơn tốc độ tăng theo chỉ tiêu kế hoạch cả năm (10%); tăng cao hơn tốc độ tăng của kim ngạch nhập khẩu (11%).
Điểm đáng chú ý nữa là khu vực kinh tế trong nước tuy còn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng tốc độ tăng đã cao lên so với trước đây, hiện đạt mức hai chữ số (11,6%). Đây là nỗ lực mới của khu vực kinh tế trong nước để tranh thủ cơ hội khi mở cửa, hội nhập sâu rộng hơn.
Mới qua 6 tháng đã có 13 mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Khả năng cả năm sẽ có 22 mặt hàng, cao hơn năm trước 1 mặt hàng (là máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, do 5 tháng đã đạt 555 triệu USD, tăng tới 38,5% so với cùng kỳ) và lần đầu tiên Việt Nam có 2 mặt hàng (điện thoại, dệt may) vượt qua mốc kim ngạch 20 tỷ USD.
Bên cạnh đó, tính riêng 5 tháng qua, đã có thêm 1 địa phương (Thái Nguyên) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và năm nay, cả nước có thể có 20 tỉnh/thành phố đạt trên 1 tỷ USD, thêm 1 địa phương so với năm trước.
Cơ cấu xuất khẩu có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Nếu tính từ tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước của 6 tháng đầu năm (tăng 14,9% và tính từ mức bình quân 3 tháng gần đây, đạt 12,53 tỷ USD/tháng) thì ước tính cả năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu vượt qua mốc 150 tỷ USD.
Do tăng trưởng so với cùng kỳ của xuất khẩu cao hơn của nhập khẩu, nên nếu cùng kỳ năm 2013, Việt Nam nhập siêu 0,55 tỷ USD, thì 6 tháng năm nay đã chuyển sang xuất siêu 1,3 tỷ USD.
Từ kết quả 6 tháng có thể dự báo năm 2014, Việt Nam sẽ không nhập siêu mà xuất siêu và đây là năm thứ 3 Việt Nam liên tục ở vị thế xuất siêu. Nói cách khác, thực tế xuất, nhập khẩu tiếp tục vượt lên ngoài dự báo của các nhà hoạch định vĩ mô.
Tuy nhiên, trong 6 tháng qua, lĩnh vực xuất-nhập khẩu cũng phát sinh một số vấn đề cần lưu ý.
Trước hết, trong khi tăng trưởng xuất khẩu vẫn khá cao, thì kim ngạch xuất khẩu đã giảm xuống từ vài tháng nay (nếu tháng 4 đạt 13,1 tỷ USD thì tháng 5 giảm còn 12,4 tỷ USD, tháng 6 giảm còn 12,1 tỷ USD). Còn theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 so với tháng 4 đã giảm 5,1%, riêng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm nhiều hơn (10,8%).
Cụ thể, xuất khẩu thủy sản giảm 1,1%; cà phê giảm 33%; hạt tiêu giảm 17,5%; sắn và sản phẩm sắn giảm 20,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,6%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 26,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác giảm 9,3%, dây điện và dây cáp điện giảm 12,7%, sản phẩm nội thất từ chất liệu gỗ giảm 29,1%, đồ chơi, dụng cụ thể thao giảm 2,3%.
Bên cạnh đó, mặc dù cơ cấu xuất khẩu có sự chuyển dịch bước đầu, nhưng tỷ trọng hàng gia công lắp ráp vẫn còn lớn.