Xuất khẩu khởi sắc, nhiều doanh nghiệp dệt may kì vọng lãi lớn
Doanh nghiệp ngành Dệt may đang dần phục hồi do đã có đơn hàng trở lại. Do vậy, kế hoạch tăng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 44 tỷ USD năm 2024 là hoàn toàn có khả năng.
Thị trường đang ấm dần lên
Số liệu mới nhất từ Hải quan cho thấy quý I/2024, kim ngạch xuất toàn ngành Dệt may đạt trên 9,53 tỷ USD, tăng 9,62% so với cùng kỳ 2023.
Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), doanh nghiệp ngành Dệt may đang dần phục hồi do đã có đơn hàng trở lại. Tuy nhiên, trước những nguy cơ tiềm ẩn của thị trường, đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động các giải pháp nhằm duy trì tăng trưởng, ổn định công ăn việc làm cho người lao động.
"Năm 2023, toàn ngành Dệt may xuất khẩu được 40 tỷ USD, mục tiêu năm 2024 xuất khẩu khoảng 44 tỷ USD. Riêng quý I năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu xuất 9,8-10 tỷ USD. Sau 2 tháng đầu năm thì đã xuất được hơn 6 tỷ U0SD, do đó khả năng quý đầu năm 2024 sẽ đạt được kế hoạch”, ông Giang cho biết.
Cũng theo VITAS, ngành Dệt may có nhiều tín hiệu khởi sắc bởi, các nhà sản xuất, chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu tiếp tục chọn Việt Nam là nơi sản xuất và đặt hàng. Việt Nam hiện vẫn giữ vị trí thứ 3 thế giới trong xuất khẩu dệt may.
Nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và tình hình sản xuất của các doanh nghiệp tín hiệu dù chưa thật sự rõ ràng nhưng đã khả quan hơn so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Điều này báo hiệu triển vọng cho ngành Dệt may Việt Nam trong năm 2024.
Theo ông Vũ Đức Giang, thị trường đang ấm dần, nhiều tập đoàn bán lẻ trong khối thành viên FTA như: Canada, Australia, châu Âu… đã tìm đến Việt Nam để tìm kiếm chuỗi cung ứng có giá thành cạnh tranh.
“Những tín hiệu này cho thấy một xu thế là hiệu ứng thị trường dệt may toàn cầu đã khởi sắc và ấm lên. Trong đó, ngành Dệt may Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội trên thế giới, bởi chúng ta là một nước mở cửa toàn diện", ông Giang nói.
Có một điều đặc biệt, nếu trong những chia sẻ trước đây đại diện VITAS trăn trở việc doanh nghiệp Việt Nam vẫn chỉ gia công là chính, thì hôm nay ông Giang khẳng định điều này không còn tồn tại.
“Doanh nghiệp Việt Nam chỉ "gia công" là cách nói cũ, bây giờ đã không còn phù hợp”, ông Giang nhấn mạnh.
Doanh nghiệp dệt may có nhiều đơn hàng đến hết năm
Về phía các doanh nghiệp cũng cho biết, hiện các đơn hàng đã trở lại, thậm chí có doanh nghiệp có đơn hàng đến hết năm, nhiều doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu lợi nhuận khả quan trong năm 2024.
Theo ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, hiện nhiều doanh nghiệp thành viên Vinatex đã nhận đơn hàng đến tháng 6. Bên cạnh đó, ngành sợi đón nhận nhiều thông tin tích cực khi có nhiều khách hàng đàm phán, giao dịch cho những tháng tiếp theo.
Hay như Tổng Công ty May 10 từ sau Tết đến nay, việc làm của người lao động ổn định khi đủ đơn hàng trong quý I và đơn hàng chính vụ đến tháng 8.
Đại diện của Tổng Công ty May 10 cũng cho biết, đơn vị này vẫn quyết tâm đạt mục tiêu doanh thu năm 2024 đạt 4.500 tỷ đồng vượt 6,6% so với năm 2023. Lợi nhuận đạt 130 tỷ đồng, vượt 5,7 % so với năm 2023.
Tổng ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) cũng lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt 7.500 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 311 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 42% so với năm 2023.
Hiện tại, TNG đã ký được các đơn hàng may xuất khẩu đến hết nửa đầu 2024 nhờ nhiều đối tác lớn đã bán hết hàng tồn kho và hãng Decathlon đang tăng cường đặt hàng nhằm phục vụ Olympic diễn ra trong tháng 6/2024 tại Pháp.
Ban Lãnh đạo Dệt may TNG cũng cho biết, trong năm nay, dự kiến sẽ nâng tổng công suất thêm 15% với việc triển khai thêm 45 chuyền may và tuyển thêm 3.000 công nhân, bắt đầu từ tháng 3/2024.
Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư - Thương mại - Dệt may Thành Công (TCM) gần như đã chạy hết công suất trở lại khi đã nhận khoảng 98% đơn hàng cho quý I và bắt đầu đón nhận những đơn hàng của quý II/2024.
Trong năm 2024, TCM đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần 3.707,4 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế dự kiến 161,23 tỷ đồng, tăng 21% so với thực hiện trong năm 2023.
Ông Trần Như Tùng - Chủ tịch HĐQT của TCM, cho biết tình hình đơn hàng sản xuất đã có sự cải thiện những tháng gần đây. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành Dệt may Việt Nam là Mỹ, thường chiếm hơn 50% kim ngạch. Do đó, theo ông Tùng, sự phục hồi của ngành Dệt may phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Ngoài ra, TCM cũng cho biết hoạt động xuất khẩu hàng dệt may của Công ty được xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới. Trong đó, 74,9% lượng hàng được xuất sang thị trường châu Á (Nhật Bản chiếm 28,61%, Hàn Quốc chiếm 22,93%, Trung Quốc chiếm 9,99%, Việt Nam chiếm 6,58%); 20% được xuất khẩu sang thị trường Châu Mỹ (chủ yếu Mỹ, Canada) … và các thị trường khác như Châu Âu, thị trường Anh.