Yếu tố tác động đến mức học phí kỳ vọng tại các trường đại học công lập Việt Nam

Theo Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2019

Phát triển các nguồn lực tài chính từ học phí có vai trò quan trọng đối với các trường đại học công lập tại Việt Nam trong xu hướng tự chủ đại học hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bằng việc sử dụng phương pháp phân tích nhân tố để nghiên cứu sự tác động của các yếu tố đến mức học phí kỳ vọng của sinh viên các trường đại học công lập theo quan điểm của người học.

Cơ sở lý thuyết, mô hình và phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này dựa trên mô hình lý thuyết được sử dụng chủ yếu trong nghiên cứu theo phương pháp HEDPERF - một công cụ đo lường chất lượng dịch vụ trong giáo dục đại học do Firdaus (2005) xây dựng và phát triển. Nghiên cứu cho thấy, các yếu tố ảnh hưởng đến mức học phí kỳ vọng của sinh viên theo quan điểm của người học, cụ thể có thể chia thành 3 nhóm chính sau: Đặc điểm của bản thân người học, đặc điểm hộ gia đình và đặc điểm của các trường đại học công lập (ĐHCL).

Mô hình nghiên cứu tổng quát được xác định như sau:

Y= f (F1,F2, F3)

Trong đó:

Y là mức học phí kỳ vọng.

Yếu tố tác động đến mức học phí kỳ vọng tại các trường đại học công lập Việt Nam - Ảnh 1

F1 là nhóm yếu tố thể hiện đặc điểm của trường ĐHCL, bao gồm: F11 là nhóm các yếu tố về tổ chức và điều phối chương trình; F12 là nhóm các yếu tố về giảng viên; F13 là nhóm yếu tố về nội dung chương trình; F14 là nhóm yếu tố về phương pháp giảng dạy; F15 là nhóm yếu tố về cơ sở vật chất; F16 là nhóm yếu tố về kỹ năng tích lũy được.

F2 là nhóm yếu tố thể hiện đặc điểm của người học, bao gồm: F21 là nhóm yếu tố về giới tính người học; F22 là nhóm yếu về chuyên ngành người học.

F3 là nhóm yếu tố thể hiện đặc điểm của hộ gia đình người học, bao gồm: F31 là nhóm yếu tố về nơi cư trú của gia đình; F32 là nhóm yếu tố về tổng thu nhập bố, mẹ người học.

Khi đó, giả thuyết đặt ra cụ thể là:

Nhóm giả thuyết về các yếu tố thể hiện đặc điểm của trường đại học công lập.

H11: Tổ chức và điều phối chương trình có tác động tích cực đến mức học phí kỳ vọng của sinh viên.

H12: Công tác giảng dạy tốt có tác động tích cực đến mức học phí kỳ vọng của sinh viên.

H 13: Nội dung chương trình tốt có tác động tích cực đến mức học phí kỳ vọng của sinh viên.

H14: Phương pháp giảng dạy tốt có tác động tích cực đến mức học phí kỳ vọng của sinh viên.

H 15: Cơ sở vật chất có tác động tích cực đến mức học phí kỳ vọng của sinh viên.

H 16: Kỹ năng sinh viên tích lũy trong quá trình học có tác động tích cực đến mức học phí kỳ vọng của sinh viên.

Nhóm giả thuyết về các yếu tố thể hiện đặc điểm của người học và gia đình

H 21: Có sự khác biệt về mức học phí kỳ vọng của sinh viên theo giới tính.

H 22: Có sự khác biệt về mức học phí kỳ vọng của sinh viên theo chuyên ngành đào tạo.

H 31: Có sự khác biệt về mức học phí kỳ vọng theo đặc điểm nơi cư trú của gia đình.

H 32: Có sự khác biệt về mức học phí kỳ vọng của sinh viên theo tổng thu nhập bố, mẹ người học.

Mẫu được chọn khảo sát gồm 662 sinh viên tại 5 trường ĐHCL, với tỷ lệ: 148 sinh viên Đại học Thương mại, 126 sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, 200 sinh viên Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, 126 sinh viên Đại học Y Hà nội và 62 sinh viên Đại học Xây dựng. Toàn bộ dữ liệu thu được, được phân tích bằng phần mềm SPSS.

Thang đo Likert 5 mức độ được chọn từ 1 điểm - thể hiện mức độ Rất đồng ý cho đến 5 điểm - thể hiện mức độ rất Rất không đồng ý. Bảng câu hỏi chính thức bao gồm 35 biến quan sát tương ứng với 5 thang đo thành phần trong mô hình nghiên cứu. Phần mềm SPSS được sử dụng để kiểm định thang đo và mô hình nghiên cứu. Các thang đo được kiểm định bằng phương pháp hệ số Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích tương quan hồi quy và Kiểm định T-test.

Kết quả nghiên cứu

Phân tích khám phá nhân tố EFA

Yếu tố tác động đến mức học phí kỳ vọng tại các trường đại học công lập Việt Nam - Ảnh 2

Sử dụng kiểm định KMO & Bartlett’s để kiểm định cặp giả thuyết về sự hợp lý của các biến tham gia phân tích nhân tố. Kết quả cho thấy, giá trị KMO = 0.962>0.5, như vậy phương pháp EFA phù hợp tập dữ liệu nghiên cứu. Kết quả EFA (dựa vào hệ số Eigenvalues 1) đã rút ra 5 nhóm nhân tố có ý nghĩa thống kê. Căn cứ vào ma trận mẫu, 5 nhân tố mới được hình thành và gán lại các biến như sau: Kỹ năng tích lũy (KNTL), Nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy (NDCT_PPGD), Giảng viên (GV), Cơ sở vật chất (CSVC) và Tổ chức và điều phối chương trình (TCDP).

Phân tích độ tin cậy của thang đo các yếu tố

Khi thực hiện phân tích Cronbach’s Alpha cho từng nhóm nhân tố đã trích rút, kết quả cho thấy: Hệ số Cronbach’s Alpha của các nhân tố được phân tích cụ thể ở Bảng 1.

Hệ số tương quan biến tổng đều lớn hơn 0.3 và Cronbach’s Alpha của các nhóm nhân tố đều nằm trong khoảng 0.6-0.9, cho thấy các thang đo trong mô hình đảm bảo độ tin cậy.

Phân tích tương quan và hồi quy

Bảng hệ số tương quan cho thấy: Giữa biến phụ thuộc học phí với các biến độc lập (KNTL, NPCT-PPGD, GV, CSVC và TCDP) đều tương quan có ý nghĩa thống kê với nhau và các biến độc lập đều tương quan với biến HP.

Phân tích mô hình hồi quy tuyến tính

Sử dụng phương pháp hồi quy bội, bảng hệ số hồi quy cho thấy các hệ số sig đều nhỏ hơn 0.05, điều này chỉ ra rằng, các biến độc lập đều có tác động có ý nghĩa thống kê đến biến học phí và phương trình hồi quy được viết như sau:

HP = 15.856 + 0.27 CSVC +0.169 GV+ 0.003 TCĐP – 0.084 KNTL + 0.084NDCT_PPGD

Kiểm định T-test, Oneway Anova

Để kiểm định nhóm giả thuyết H21,H22, H31, H32, tác giả sử dụng các kỹ thuật kiểm định Independent-Sample T-test áp dụng cho giả thuyết H21 và kỹ thuật kiểm định Oneway Anova áp dụng cho các giả thuyết H22, H31, H32 (Bảng 2, Bảng 3).

Kết luận và kiến nghị

Yếu tố tác động đến mức học phí kỳ vọng tại các trường đại học công lập Việt Nam - Ảnh 3

Qua Bảng kết quả phân tích hồi quy với biến phụ thuộc là mức học phí kỳ vọng cho thấy: Yếu tố KNTL tác động ngược chiều đến học phí, như vậy giả thuyết H16 bị bác bỏ. Trong khi đó, các yếu tố GV, CSVC, TCDT, NDCT_PPGD đều có tác động thuận chiều đến học phí kỳ vọng, kết quả này ủng hộ các giả thuyết đã nêu trong mô hình (H11, H12, H13¸ H14¸ H15). Biến độc lập CSVC có tác động mạnh nhất đến học phí kỳ vọng với hệ số (chuẩn hóa) = 0.381; kế tiếp là biến GV với hệ số (chuẩn hóa) = 0.170; trong khi đó biến NDCT_PPGD tác động không lớn đến học phí với hệ số (chuẩn hóa) = 0.092; điều đặc biệt là biến TCDP có mức tác động rất yếu đến học phí kỳ vọng với hệ số (chuẩn hóa) = 0.003.

Mô hình kiểm định trên không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến do hệ số VIF đều nhỏ hơn 5. Tuy nhiên, hệ số Rsquare = 0.191, điều này có nghĩa là sự biến thiên của các biến độc lập trong mô hình nghiên cứu mới giải thích được 19.1% sự biến thiên của biến học phí. Điều này hoàn toàn hợp lý bởi mức học phí kỳ vọng còn phụ thuộc vào các biến khác: Thu nhập, nơi cư trú, ngành học…

Xuất phát từ kết quả khảo sát và kiểm định các yếu tố ảnh hưởng đến mức học phí kỳ vọng của sinh viên cho thấy sự tác động thuận chiều của các yếu tố: Nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy, tổ chức và điều phối chương trình, giảng viên và cơ sở vật chất. Do vậy, khi các trường ĐHCL cải thiện các yếu tố này sẽ có tác dụng làm gia tăng nguồn lực tài chính từ học phí. Trên cơ sở đó, các trường ĐHCL nên tập trung vào phát triển, nâng cao các yếu tố nội sinh tác động đến chất lượng đào tạo, cụ thể:

Một là, các trường ĐHCL nên tăng cường đầu tư cơ sở vật chất hiện đại đáp ứng nhu cầu ăn ở, thực hành, thực nghiệm… của sinh viên, thích ứng với sự phát triển của Cách mạng công nghệ 4.0, phù hợp với phương pháp giảng dạy mới, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bởi đây là yếu tố tác động mạnh nhất đến mức học phí kỳ vọng của sinh viên. 

Hai là, các trường ĐHCL nên tập trung giải quyết tốt vấn đề này, trong đó trọng tâm là chất lượng đội ngũ giảng viên, chú trọng vào một số khâu cơ bản: Tuyển dụng, đánh giá giảng viên, đào tạo lại và chế độ đãi ngộ phù hợp.

Ba là, các trường ĐHCL cần quan tâm đến việc hoàn thiện và đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy. Cần khai thác và phát triển thêm nhiều chuyên ngành đào tạo, hình thức đào tạo đáp ứng xu hướng mới và đặc biệt là hình thức đào tạo song bằng hiện nay, giúp sinh viên có nhiều hơn cơ hội việc làm khi ra trường, đồng thời, tăng nguồn lực tài chính cho các trường ĐHCL. 

Bốn là, các trường ĐHCL cần nâng cao vai trò, thái độ của bộ phận điều phối và quản lý của các trường ĐHCL đối với sinh viên. Với xu hướng giáo dục ĐHCL trở thành dịch vụ giáo dục đại học, do đó người học (khách hàng) cần được quan tâm, chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần… để họ thực sự cảm thấy thoải mái trong mọi hoạt động ở trường, ký túc xá. Đây cũng là một trong những yếu tố tác động đến mức học kỳ vọng của sinh viên theo kết quả kiểm định.

Tài liệu tham khảo:

1. Hoàng Thị Xuân Hoa (2018), Tự chủ đại học: Xu thế của phát triển, VNU Media 2018;

2. Trần Quang Hùng (2016), Chính sách học phí đại học của Việt Nam, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội;

3. Trần Trọng Hưng (2015), Huy động nguồn lực tài chính ngoài ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học công lập ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Học viện Tài chính, Hà Nội;

4. Firdaus A. (2005), HEdPERF versus SERVPERF: The quest for ideal measuring instrument of service quality in higher education sector. Quality Assurance in Education, Vol. 13, no. 4, pp.305 – 328.