11 bước triển khai công cụ QCC giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm

Nguyễn Hiền

Nhóm chất lượng QCC (Quality Control Circle) gồm các thành viên từ nhiều bộ phận, phòng ban khác nhau với mục đích hoạt động cải tiến các vấn đề chất lượng trong tổ chức. Sự hình thành nhóm chất lượng này mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và có sức lan toả với các doanh nghiệp trên toàn thế giới

Sự hình thành nhóm chất lượng này mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và có sức lan toả với các doanh nghiệp trên toàn thế giới.
Sự hình thành nhóm chất lượng này mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và có sức lan toả với các doanh nghiệp trên toàn thế giới.

Có thể dễ dàng nhận thấy một số lợi ích cụ thể khi áp dụng công cụ Nhóm chất lượng QCC như: Các thành viên nhóm được nâng cao kiến thức và khả năng của mình thông qua việc đào tạo và tham gia vào việc giải quyết vấn đề; trao đổi thông tin trong tổ chức được cải thiện tốt hơn, ví dụ giữa các thành viên với nhau và giữa thành viên với người phụ trách; người lao động hiểu biết hơn về chất lượng và thành thạo hơn trong cách giải quyết các vấn đề.

Những lợi ích này sẽ góp phần nâng cao được chất lượng sản phẩm và dịch vụ; giảm bớt lãng phí, cải thiện ý thức về chất lượng trong tổ chức, tăng năng suất lao động và nâng cao thu nhập của người lao động… Do vậy, hiện nay nhiều doanh nghiệp có xu hướng áp dụng Nhóm chất lượng QCC. 

Theo các chuyên gia về năng suất, chất lượng, về lý thuyết, có 11 bước để triển khai công cụ này tại doanh nghiệp: 

Bước 1: Lãnh đạo cấp cao phải hiểu rõ khái niệm về QCC.

Bước 2: Thành lập “Ban chỉ đạo” có sự tham gia của Lãnh đạo cấp cao.

Bước 3: Đào tạo các hạt nhân (các cán bộ hỗ trợ) cho hoạt động QCC về khái niệm QCC, công cụ kiểm soát chất lượng, phương pháp giải quyết vấn đề…

Bước 4: Tổ chức các chiến dịch quảng bá về QCC trong toàn tổ chức thông qua bản tin, thảo luận, áp phích quảng cáo… để người lao động nhận thức rõ hơn về QCC.

Bước 5: Lựa chọn trưởng nhóm cho các nhóm thí điểm (trưởng nhóm nên là giám sát viên hoặc quản đốc vì họ có khả năng lãnh đạo tốt hơn và có nhiều kinh nghiệm trong công việc).

Bước 6: Đào tạo cho trưởng nhóm và các thành viên của nhóm thí điểm.

Bước 7: Giám sát sự tiến triển của những nhóm thí điểm.

Bước 8: Tổ chức cuộc họp trình bày tình huống để các nhóm có cơ hội nêu lên thành tích của họ.

Bước 9: Đào tạo thêm các trưởng nhóm và thành viên để thành lập thêm nhóm.

Bước 10: Tiếp tục giám sát và đánh giá sự tiến bộ của các nhóm. Hỗ trợ các nhóm và khuyến khích họ thành lập nên những nhóm mới.

Bước 11: Tổ chức hội nghị/cuộc thi nhóm hàng năm để ghi nhận các thành quả của các nhóm.