20 mã CW sắp lên giao dịch trên HoSE
4 công ty chứng khoán SSI, HSC, VNDS và KIS phát hành 20 mã chứng quyền có bảo đảm (CW) dựa trên 10 cổ phiếu cơ sở. SSI góp nhiều CW nhất trong đợt phát hành này với 10 mã.
Chỉ trong vòng khoảng 1 tháng qua, một số công ty chứng khoán tiếp tục thực hiện phát hành thêm nhiều mã CW. Tính đến ngày 9/10, 4 CTCK bao gồm Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC), Chứng khoán VNDirect (VNDS) và Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) phát hành 20 mã chứng quyền có bảo đảm dựa trên 10 cổ phiếu cơ sở.
Trong đợt này, SSI là công ty phát hành nhiều mã CW nhất với 10 mã dựa trên 8 cổ phiếu cơ sở là REE (Cơ điện lạnh), VNM (Vinamilk), VIC (Vingroup), VJC (Vietjet), VHM (Vinhomes), FPT (FPT), MBB (Ngân hàng Quân đội) và HPG (Tập đoàn Hòa Phát).
Tổng số lượng phát hành lần này là 13 triệu cq, trong đó có 2 triệu cq MBB kỳ hạn 3,5 tháng và 3 triệu cq MBB kỳ hạn 6,5 tháng, 8 mã còn lại phát hành mỗi mã 1 triệu cq. Tất cả CW của SSI đều có tỷ lệ chuyển đổi 1:1.
Bên cạnh đó, HSC cung cấp 5 mã CW dựa trên FPT, MBB, VNM, MWG (Đầu tư Thế giới Di động) và VRE (Vincom Retail) với số lượng phát hành là 25 triệu cq chia đều cho 5 mã, kỳ hạn cùng là 6 tháng. CW MWG và VNM sẽ có tỷ lệ chuyển đổi 10:1, CW FPT là 5:1 và CW MBB là 2:1.
VNDS sẽ phát hành tổng số 8 triệu cq cho 3 CW mới dựa trên cổ phiếu REE, FPT và MBB với tỷ lệ đều là 2:1. Kỳ hạn của cả 3 CW mà VNDS cung cấp sẽ là 3 tháng.
Cuối tháng 9, KIS đã thực hiện chào bán đến nhà đầu tư 2 CW mới dựa trên cổ phiếu VNM và VJC với tỷ lệ chuyển đổi đều là 10:1, trong đó, CW VNM kỳ hạn 6 tháng còn CW VJC kỳ hạn 5 tháng. Đến thời điểm hiện tại, 2 CW này của KIS chưa thực hiện niêm yết trên HoSE.
Đối với 20 mã CW nói trên, các mã có kỳ hạn trên 5 tháng có mức giá hòa vốn cao hơn khoảng từ 13 - 20% so với giá hiện tại của cổ phiếu cơ sở. Trong khi đó, các kỳ hạn 3; 3,5 tháng thì chênh lệch giữa giá hòa vốn và giá cổ phiếu cơ sở khoảng từ 6 - 10%.
Nếu các CW được niêm yết trong thời gian tới đây thì số lượng CW niêm yết trên HoSE sẽ được nâng lên gấp đôi thành 40 mã, trong đó, SSI và KIS là hai CTCK có số lượng CW nhiều nhất.
Đến thời điểm hiện tại HSC và KIS đã hoàn thành xong đợt chào bán, trong đó, cả hai CW của KIS đều không phân phối được cho nhà đầu tư nào, trong khi đó, số lượng CW phân phối của HSC cũng chỉ ở mức khiêm tốn. CW FPT của HSC được phân phối nhiều nhất nhưng cũng chỉ đạt 443.000 cq.
CW sau khi phân phối được tự động niêm yết và lưu ký vào tài khoản giao dịch chứng khoán đã đăng ký của nhà đầu tư. Sau khi niêm yết, nhà đầu tư có thể mua bán lại CW trên thị trường thứ cấp tại sàn HoSE, thanh toán theo chu kỳ T+2 tương tự như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ. Tại ngày đáo hạn, nhà đầu tư sẽ được thanh toán chênh lệch bằng tiền với CW đáo hạn trong trạng thái có lãi.
Trong tháng 9, 4 trong tổng số 8 mã CW đáo hạn ở đợt phát hành đầu tiên giúp nhà đầu tư có lãi. CW đáo hạn sớm nhất là CMWG1901 của Chứng khoán BIDV (BSC) vào 9/9. Nếu tham gia mua cổ phiếu này từ ngày phát hành (IPO) và nắm giữ đến ngày đáo hạn, nhà đầu tư sẽ lãi 7.250 đồng/cq, tương ứng mức lợi nhuận lên đến 260%. Hai CW dựa trên cổ phiếu FPT là CFPT1901 của Chứng khoán VNDS và CFPT1902 của SSI cũng đem lại lợi nhuận bằng lần cho nhà đầu tư tham gia mua tại ngày IPO với lần lượt 145% và 225%.145%. Ngoài ra, CMBB1901 của SSI cũng lãi với 18%.
Trong thời gian gần đây, giao dịch trên thị trường CW diễn ra vẫn ảm đạm với khối lượng khớp lệnh giao dịch bình quân 6 phiên đầu tháng 10 chỉ gần 2,4 triệu cq, trị giá 5,6 tỷ đồng mỗi phiên.
Khối ngoại vẫn từ đầu tháng 10 đến nay đã có những phiên mua, bán ròng đan xen nhau, dù vậy tính tổng cộng, khối ngoại bấn ròng hơn 680 triệu đồng.