2018: FDI chuyển hướng đầu tư
Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tập trung vào các ngành tiện ích trong năm 2018, thay vì chỉ tập trung vào công nghiệp chế biến chế tạo như năm 2017.
Bước sang năm 2018, giới chuyên môn dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục dao động quanh mức mục tiêu 4%. Cơ sở cho nhận định trên gắn với ba yếu tố cốt lõi, gồm: Chính phủ kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa; Tốc độ hồi phục giá hàng hóa thế giới chậm lại; Mức lạm phát tại các đối tác thương mại lớn với Việt Nam như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU duy trì ở mức thấp dưới 2%... Dựa trên những điều kiện đó, các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn sẽ tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam.
Cùng quan điểm, bà Eugenia Victorino – chuyên gia kinh tế của ANZ, Khu vực Tiểu vùng sông Mekong và Đông Nam Á cho rằng, Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là “thỏi nam châm” vì không chỉ có chính sách ưu đãi, hàng loạt FTAs đã được ký kết, mà còn là đầu tư cho giáo dục tốt. Theo số liệu, hiện nay tỷ lệ lao động có tay nghề ở Việt Nam đang gia tăng, tỷ lệ lao động biết chữ của Việt Nam cao hơn hẳn hai quốc gia đông dân là Ấn Độ và Malaysia… Tất cả những điểm tích cực trên khiến DN FDI tiếp tục mạnh dạn đầu tư vào Việt nam. Tuy nhiên trong năm 2018, khối FDI dự kiến sẽ có chuyển đổi trong cơ cấu đầu tư.
Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tập trung vào các ngành tiện ích trong năm 2018, thay vì chỉ tập trung vào công nghiệp chế biến chế tạo như năm 2017.
Lý do nhà đầu tư nước ngoài dồn vốn vào lĩnh vực dịch vụ cơ bản là để tối ưu hóa lợi ích trong đầu tư, khi lĩnh vực này tiêu thụ ít điện năng. Một nhà đầu tư Hà Lan cho biết, năm 2018, Hà Lan vẫn ưu tiên chọn lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước… để đầu tư. Sau đó mới là các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng.
Thừa nhận rằng các DN FDI đang đổ xô vào lĩnh vực điện nước, một lãnh đạo thuộc Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, 8 tháng đầu năm 2017 riêng ngành điện đã có 4,8 tỷ USD vốn FDI đăng ký, chiếm 23,98% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Cũng theo vị này, dự kiến, sắp tới sẽ còn rất nhiều dự án đăng ký đầu tư vào ngành điện, nước vì nhìn vào quy hoạch phát triển điện của Việt Nam từ nay đến năm 2030 thì đây là lĩnh vực vô cùng tiềm năng. “Nếu như tất cả các dự án trên đều được cấp phép, tổng số vốn đầu tư FDI trong lĩnh vực nhiệt điện than sẽ lên tới hàng chục tỷ USD”, vị lãnh đạo trên chia sẻ.
Về lý thuyết, việc FDI đổ vốn vào lĩnh vực điện, nước mở ra cơ hội lớn cho các DN Việt Nam ở lĩnh vực này. Như đã nói ở trên, sự tăng trưởng vững chắc trong sản lượng điện tiêu thụ có đóng góp quan trọng từ mảng xây dựng và sản xuất công nghiệp. Chỉ số tiêu thụ cũng như lợi nhuận thu được từ lĩnh vực điện, nước luôn tăng.
Bằng chứng, tính trong nửa đầu năm 2017, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đã duy trì xu hướng tăng trưởng ổn định, trong đó tốc độ tăng trưởng IIP từ mức 5,5% (so với cùng kỳ) trong tháng 3/2017 đã tăng lên mức 8,4% (so với cùng kỳ) trong tháng 8/2017. Nhờ vậy, lượng điện năng tiêu thụ ở mảng này cũng đã tăng 13,1% trong 8 tháng đầu năm 2017, chiếm 54% tổng điện năng tiêu thụ.
Trong khi đó, mảng quản lý và tiêu dùng vốn đóng góp khoảng 34% tổng tiêu thụ điện tăng trưởng khoảng 4% trong giai đoạn này. Với những con số tích cực trên, rõ ràng đầu tư vào lĩnh vực này sẽ ghi nhận những thành công.
Tuy nhiên, cũng cần phải có cái nhìn đa chiều trong việc rót vốn của FDI. Bởi, một báo cáo gần đây của Economic Consulting Associates ghi nhận, các dự án nhiệt điện than thường đi kèm với tiêu cực. Đó là, ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện than, đồng thời làm biến đổi khi hậu trong tương lai…
Kinh tế thế giới tăng trưởng vững vàng giữa các bất ổn chính trị tăng cao tại các khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng đột phá trong quý III/2017. Quan trọng nhất, tinh thần Chính phủ kiến tạo đã lan tỏa đến các đơn vị, tạo ra động lực lớn cho nền kinh tế tăng trưởng. Cỗ máy kinh tế đang tăng tốc.