4 danh mục nào phải báo cáo tài chính nhà nước?

PV.

Dự thảo Nghị định về báo cáo tài chính nhà nước đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, theo đó, nội dung báo cáo sẽ được công khai trên mạng internet với các thông tin chủ yếu liên quan đến tài sản, công nợ, nguồn vốn, kết quả hoạt động và lưu chuyển tiền tệ của Nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tế của Việt Nam, Bộ Tài chính đã dự thảo 4 biểu mẫu báo cáo tài chính nhà nước áp dụng cho toàn quốc và cấp tỉnh, bao gồm 4 nội dung: tình hình tài chính nhà nước; kết quả hoạt động tài chính nhà nước; lưu chuyển tiền tệ; thuyết minh báo cáo tài chính nhà nước.

Trong đó, báo cáo tình hình tài chính nhà nước sẽ tổng hợp, phản ánh toàn bộ thông tin về tài sản nhà nước; nợ và các khoản phải trả khác của Nhà nước; nguồn vốn của Nhà nước trên phạm vi toàn quốc, hoặc một tỉnh tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo.

Báo cáo kết quả hoạt động tài chính nhà nước phản ánh tình hình thu nhập, chi phí và chênh lệch giữa thu nhập và chi phí của Nhà nước trên phạm vi toàn quốc, hoặc một tỉnh trong kỳ báo cáo. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ bao gồm tình hình lưu chuyển tiền tệ, các luồng tiền thu vào, chi ra.

Đồng thời, thuyết minh báo cáo tài chính nhà nước giải thích và bổ sung thông tin về tình hình, kết quả hoạt động tài chính nhà nước, tình hình lưu chuyển tiền tệ mà các báo cáo tài chính nhà nước khác không thể trình bày chi tiết. 

Theo quy định của Luật Kế toán 2015, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm lập báo cáo tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc, trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội; chỉ đạo Kho bạc Nhà nước (KBNN) chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính lập báo cáo tài chính nhà nước thuộc phạm vi địa phương, trình UBND  tỉnh để báo cáo HĐND cùng cấp.