5 bước chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng
Việc số hóa ngân hàng giúp cho ngân hàng đáp ứng được xu hướng giao dịch trên các thiết bị điện tử của khách hàng, đơn giản hóa quy trình, thủ tục xử lý, nâng cao tính cạnh tranh, cắt giảm chi phí.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018, việc chuyển đổi số sẽ giúp cho ngân hàng phát triển các sản phẩm dịch vụ điện tử như các công ty công nghệ tài chính. Ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng sẽ làm giảm nhân sự, giảm bớt giấy tờ giao dịch… do đó, sẽ làm giảm chi phí xử lý trên hệ thống số.
Theo nghiên cứu của Shahar (2017), một ngân hàng số hóa chuyên cho vay bất động sản đã cắt giảm 70% chi phí xử lý trên mỗi khoản vay.
Việc số hóa ngân hàng giúp cho ngân hàng đáp ứng được kỳ vọng ngày càng cao cũng như xu hướng giao dịch trên các thiết bị điện tử của khách hàng, đơn giản hóa quy trình, thủ tục xử lý, câng cao tính cạnh tranh, cắt giảm chi phí.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số để trở thành ngân hàng số toàn diện sẽ phải đối mặt với các thách thức như: Khó khăn trong thu hút nhân tài; Lãnh đạo thiếu hiệu quả; Sự thiếu hợp tác trong các đơn vị kinh doanh; Kết cấu dữ liệu phức tạp; Thiếu thẩm quyền quản trị và ra quyết định; Thiếu nhân tài quyết định trong doanh nghiệp; Văn hóa doanh nghiệp; Hạn chế của công nghệ thông tin...
Để hạn chế những thách thức trên, nghiên cứu của Mersch đã đưa ra 5 bước chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng như sau:
Bước 1: Đánh giá để hiểu biết các bước ứng dụng và công nghệ.
Trước khi thực hiện chuyển đổi số, ngân hàng phải đánh giá được chi phí và hiệu quả hoạt động của các ứng dụng và công nghệ hiện có nhằm nhận diện được những yếu kém về công nghệ và lãng phí về tài chính. Hiện nay, các nền tảng khoa học phân tích dữ liệu tự động giám sát và quản lý công nghệ trên hệ thống, có thể giúp phát hiện sớm các vấn đề khi vận hành, tối ưu hóa chi tiêu cho công nghệ.
Bước 2: Đơn giản hóa cơ sở hạ tầng, ứng dụng và quy trình dựa trên các hiểu biết thu được từ việc đánh giá hiểu biết các bước ứng dụng và công nghệ.
Việc ứng dụng hệ thống công nghệ dư thừa, trùng lắp, hay ít sử dụng làm tăng chi phí hoạt động, giảm hiệu quả và làm trì trệ khả năng đổi mới, sáng tạo của các ngân hàng. Do đó, việc đơn giản hóa cơ sở hạ tầng, ứng dụng và các quy trình sẽ giúp cho ngân hàng thiết kế lại để phù hợp với mô hình ngân hàng số toàn diện.
Bước 3: Đẩy nhanh quá trình đổi mới thông qua các nền tảng module.
Các nền tảng module tích hợp các giao diện lập trình ứng dụng cũng đóng góp vào quá trình tích hợp hệ thống ngân hàng với nền kinh tế giao diện lập trình ứng dụng. Ngân hàng cũng có thể lựa chọn các module và giao diện lập trình ứng dụng dựa trên các ưu tiên kinh doanh của mình và tốc độ hiện đại hóa mong muốn.
Bước 4: Thiết kế các quy trình và ứng dụng dựa trên kinh nghiệm có được.
Thiết kế của ngân hàng nên dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về hành vi và cách sử dụng của khách hàng để tiếp tục đổi mới các dịch vụ và tập trung vào trải nghiệm của khách hàng. Các nền tảng khoa học phân tích dữ liệu có thể giúp đơn giản và tối ưu hóa việc áp dụng dữ liệu lớn thông qua cung cấp các giải pháp phân tích tích hợp sẵn và dễ sử dụng cho nhóm khách hàng doanh nghiệp.
Bước 5: Xây dựng các ứng dụng mới có thể hỗ trợ các mô hình kinh doanh mới, danh mục sản phẩm và kênh phân phối mới.
Ngân hàng tập trung xây dựng các ứng dụng ngân hàng mới, thông minh, nhằm tạo ra lợi thế người đi đầu trong ứng dụng công nghệ số. Phát triển các ứng dụng đổi mới và thông minh cho phép ngân hàng thu hút được các phân khúc khách hàng mới nhằm tạo ra kênh thu nhập mới.