7 thói quen ban ngày phá hoại giấc ngủ đêm
Chất lượng giấc ngủ phụ thuộc rất nhiều vào những gì mà chúng ta làm vào ban ngày.
Nhiều nghiên cứu cho thấy những gì chúng ta làm vào ban ngày có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ ngang với bất cứ điều gì chúng ta làm vào ban đêm. Vì vậy, nếu bạn vẫn gặp rắc rối với giấc ngủ ngay khi đã cải tạo những thói quen buổi tối, thì hãy xem liệu bạn có vấp phải những sai lầm ban ngày dưới đây không.
1. Tắt chuông báo thức
Một giấc ngủ ngon lại có thể bắt đầu từ việc đầu tiên bạn làm trong buổi sáng. Đó là vì khi bạn nhấn nút tắt báo thức, bạn đang bắt đầu một chu kỳ giấc ngủ mới mà sẽ không thể hoàn thành trong vòng 10 phút khi chuông báo vang lên một lần nữa. Bạn đang chia nhỏ giấc ngủ thêm ít ỏi đến mức nó trở nên kém chất lượng.
Không hoàn thành được chu kỳ giấc ngủ mà cơ thể đã bắt đầu sẽ khiến bạn cảm thấy đờ đẫn suốt cả ngày, làm rối loạn đồng hồ sinh học của cơ thể và phá vỡ giấc ngủ trong đêm tiếp theo.
2. Không ra ngoài trời
Một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm cho giấc ngủ là tận hưởng ánh nắng mặt trời (hoặc thậm chí là ánh đèn) ngay vào buổi sáng khi ngủ dậy.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiếp xúc với ánh sáng vào buổi sáng sẽ giúp thiết lập lại nhịp sinh học trong 24 giờ tiếp theo, mách bảo bạn cảm giác tỉnh táo vào buổi sáng và cảm thấy buồn ngủ khi đến lúc phải đi ngủ.
3. Dành quá nhiều thời gian trên điện thoại
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng dành quá nhiều thời gian trước màn hình khi đi ngủ có thể gây nguy hiểm cho giấc ngủ. Các thiết bị phát ánh sáng màu xanh lơ làm rối loạn sản sinh melanin hàng đêm tự nhiên của cơ thể, loại hoóc môn làm bạn cảm thấy buồn ngủ.
Nhưng một nghiên cứu mới cho thấy, dành quá nhiều thời gian trên điện thoại thông minh bất cứ lúc nào trong ngày cũng có thể gây bất lợi cho giấc ngủ đêm. Nghiên cứu theo dõi thời gian sử dụng màn hình điện thoại thông minh của 653 người, cũng như các thông số tự báo cáo của họ về giấc ngủ cho thấy, cả thời gian và chất lượng giấc ngủ đều giảm khi thời gian sử dụng màn hình điện thoại thông minh tăng lên.
4. Uống một hoặc hai cốc soda
Một nghiên cứu mới trên 18.779 người trưởng thành cho thấy những người ngủ 5 giờ hoặc ít hơn mỗi đêm thường uống đồ uống có đường, có caffein nhiều hơn 21% so với những người ngủ từ 7 đến 8 giờ một đêm.
Số liệu khảo sát không nói rõ liệu uống nước ngọt có caffein khiến mọi người ngủ ít hơn, hay là việc ngủ ít khiến họ uống nhiều nước ngọt chứa caffein hơn. Nhưng cả hai hành vi đều có liên quan với kết quả sức khỏe tiêu cực.
Ngủ quá ít và uống quá nhiều đồ uống có đường đều liên quan đến hậu quả sức khỏe xấu, bao gồm béo phì. Và có khả năng mối quan hệ giữa hai hành vi hoạt động theo cả hai chiều. Điều đó có nghĩa là loại bỏ một hành vi - như giảm soda và nước tăng lực - có thể cải thiện giấc ngủ.
5. Hút thuốc lá
Rối loạn giấc ngủ là một mục nữa trong danh sách dài các nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng liên quan đến hút thuốc lá.
Nicotin trong thuốc lá là một chất kích thích, giống như caffein, có thể giữ cho bạn tỉnh táo vào ban đêm. Nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc dễ báo cáo về giấc ngủ không yên nhiều hơn 4 lần so với người không hút. Hút thuốc lá thực sự làm thay đổi đồng hồ sinh học của cơ thể, làm tăng cơ hội bị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, và khiến một người bình thường mất 1,2 phút ngủ cho mỗi điếu thuốc lá mà họ hút.
6. Ngồi quá nhiều
Tập thể dục là món quà cho sức khỏe. Nó giúp giữ cân nặng ở mức kiểm soát, tăng cường tâm trạng, giữ cho xương và cơ bắp chắc khỏe, làm giảm nguy cơ bệnh tim, tiểu đường, béo phì và một số bệnh ung thư và nói chung nó giúp bạn sống lâu hơn. Thói quen tập luyện thường xuyên cũng giúp bạn ngủ ngon.
Một cuộc khảo sát từ Quỹ giấc ngủ quốc gia (Mỹ) cho thấy những người có tập thể dục sẽ ngủ tốt hơn so với những người không tập. Nhưng khảo sát cũng thấy rằng giấc ngủ ngon không chỉ dành cho những tín đồ của phòng gym - thậm chí chỉ cần ngồi ít hơn cũng có tác dụng. Theo các nghiên cứu, ngồi ít hơn sáu giờ mỗi ngày có tương quan với giấc ngủ tốt, so với ngồi 10 giờ hoặc hơn mỗi ngày.
7. Sử dụng giường ngủ làm bàn ăn sáng hoặc văn phòng
Dù căn hộ của bạn có nhỏ thế nào đi nữa, thì giường vẫn không phải là bàn làm việc. Đó cũng không phải là chiếc ghế bành. Và chắc chắn không phải là nơi buôn điện thoại thoải mái hàng giờ với bạn thân.
Giường cần gắn liền với giấc ngủ, các chuyên gia về giấc ngủ khuyên hãy dành chiếc giường cho giấc ngủ để tạo ra mối liên kết mạnh mẽ giữa giường và giấc ngủ. Bạn đang dạy cho cơ thể biết rằng khi nó được ở trên giường, thì đó là thời gian để ngủ.