Khu công nghệ cao hút vốn đầu tư
Cả nước hiện có 3 khu công nghệ cao quốc gia được thành lập đó là Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), Khu công nghệ cao Đà Nẵng và Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh. Hoạt động thu hút đầu tư ở 3 khu công nghệ cao đang chuyển biến tích cực, tạo nền tảng để phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia.
Thu hút hàng tỷ USD
Phát triển các khu công nghệ cao là hướng đi "mở đường" cho việc tạo mối liên kết giữa hoạt động nghiên cứu và phát triển với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến nay, 3 khu công nghệ cao quốc gia tại Hòa Lạc, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã thu hút 218 dự án đầu tư với số vốn đăng ký gần 10 tỷ USD, tạo ra việc làm cho khoảng 50.000 lao động.
Cụ thể, Khu công nghệ cao Hòa Lạc có 81 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 3 tỷ USD; Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh có 130 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư là 6,8 tỷ USD; Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 7 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 160 triệu USD.
Trong đó, hoạt động hiệu quả nhất là Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh với 66 dự án đang hoạt động. Nếu như năm 2010 giá trị sản xuất của khu công nghệ cao này chỉ đạt 0,5 tỷ USD thì năm 2017 giá trị sản xuất ước đạt 12 tỷ USD, tạo ra gần 40.000 việc làm. Dự kiến, đến năm 2020 giá trị sản xuất sẽ vượt mốc 20 tỷ USD. Đồng thời, ước tính từ năm 2020 trở đi, khu công nghệ cao này có thể đóng góp cho ngân sách thành phố mỗi năm hơn 1 tỷ USD.
Sẵn sàng đón dòng đầu tư mới
Mục tiêu hình thành các khu công nghệ cao quốc gia đó là góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, vùng miền; góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tăng nhanh hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm hàng hóa. Vì vậy, việc hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư vào các khu công nghệ cao luôn được chú trọng.
Trong đó, phải kể đến việc Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2017/NĐ-CP quy định cơ chế đặc thù đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Nghị định là nền tảng pháp lý tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi; giảm thiểu chi phí đầu tư cũng như cung cấp ưu đãi cao nhất cho các nhà đầu tư. Theo quy định, đối với dự án đầu tư mới tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc có quy mô vốn từ 4.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 30 năm.
Ngay sau khi có Nghị định số 74, nhiều doanh nghiệp đã đến tìm hiểu, trao đổi, xây dựng dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Tiêu biểu, Công ty TNHH Hanwha Techwin của Hàn Quốc đã đầu tư xây dựng Nhà máy Hanwha Aero Engines có tổng vốn đăng ký 4.530 tỷ đồng (200 triệu USD) để sản xuất cấu kiện, linh kiện động cơ máy bay tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Kết quả đó bước đầu minh chứng tính tác động trong quyết sách của Chính phủ và sức thu hút, hấp dẫn đầu tư ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 04/2018/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Khu công nghệ cao Đà Nẵng (có hiệu lực thi hành từ ngày 20/2/2018). Theo đó, đối với các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới sẽ được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm. Các dự án đầu tư mới có quy mô vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong vòng 30 năm. Với những chính sách ưu đãi này, đang kỳ vọng sẽ thổi một "làn gió" mới, để các khu công nghệ cao tiếp tục chuyển mình và khởi sắc.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 792/QĐ-TTg, định hướng phát triển khu công nghệ cao là tăng cường đầu tư chiều sâu, tiếp tục hoàn thiện xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại các khu công nghệ cao quốc gia, bao gồm: Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh và Khu công nghệ cao Đà Nẵng.