Bộ Tài chính tích cực cải cách hành chính, đồng hành cùng doanh nghiệp

PV.

Những nỗ lực, kết quả cải cách hành chính của Bộ Tài chính thời gian qua, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan đã thể hiện tinh thần đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển của Bộ Tài chính, được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao.

Ngành Hải quan tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ. Nguồn: internet
Ngành Hải quan tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ. Nguồn: internet

Cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh

Với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm trong cải cách hành chính, thời gian qua, Bộ Tài chính đã kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính (TTHC), điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nhằm mục tiêu cải cách toàn diện và hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

6 tháng đầu năm 2020, Bộ Tài chính đã ban hành 09 Quyết định công bố bãi bỏ 28 TTHC; sửa đổi, bổ sung 35 TTHC và ban hành mới 30 TTHC trong các lĩnh vực: hải quan, kho bạc, công sản, thuế và kế toán, kiểm toán. Trên cơ sở Quyết định công bố TTHC, Bộ Tài chính đã thực hiện việc công khai và cập nhật đầy đủ, kịp thời lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo đúng quy định.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến ngày 19/5/2020 công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2019 (PAR index 2019) và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 (SIPAS 2019), Bộ Tài chính tiếp tục giữ vị trí thứ 2/17 bộ, cơ quan ngang bộ, với 94,77/100 điểm, tăng 4,58 điểm so với năm 2018.

Về cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội ban hành 02 Luật, trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định cắt giảm và đơn giản hoá 163 điều kiện thuộc 20 ngành nghề kinh doanh, tổng số điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính còn hiệu lực hiện nay là 299 điều kiện. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã cập nhật và công bố đầy đủ các điều kiện kinh doanh trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và báo cáo Văn phòng Chính phủ về rà soát, tổng hợp danh mục điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính.

Việc cắt giảm, đơn giản hoá TTHC và điều kiện kinh doanh của Bộ Tài chính đã mang lại những hiệu quả thiết thực, đặc biệt là tiết kiệm thời gian thực hiện các TTHC, điều kiện kinh doanh cho cá nhân, tổ chức. Mọi quy trình giải quyết TTHC đều được công khai, minh bạch đảm bảo cho mọi cá nhân, tổ chức có thể tiếp cận, đồng thời có thể kiểm tra, giám sát được hoạt động của cơ quan nhà nước; được ứng dụng xây dựng và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc, gặp gỡ giữa cá nhân, tổ chức với cán bộ trực tiếp xử lý hồ sơ TTHC. TTHC, điều kiện kinh doanh cũng được quy định cụ thể từng bước thực hiện, giảm bớt các bước trung gian, không cần thiết, tăng tính phối hợp, kế thừa kết quả giải quyết của các cơ quan nhà nước.

Hiện đại hóa quy trình, nghiệp vụ

Cùng với cải cách TTHC, điều kiện kinh doanh, Bộ Tài chính còn đẩy mạnh triển khai xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP năm 2015 của Chính phủ. Theo đó, Bộ Tài chính tiếp tục mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa trong lĩnh vực tài chính, thuế, hải quan; vận hành, kết nối phần mềm quản lý văn bản (eDocTC) để gửi, nhận văn bản thông qua trục liên thông văn bản quốc gia với 95 cơ quan, đơn vị, đảm bảo thông suốt, đồng bộ.

Đến hết tháng 6/2020, tổng số TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 951, trong đó đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho 560 thủ tục (đạt tỷ lệ 59%). Số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã thực hiện là 351 thủ tục, đạt tỷ lệ 37%, vượt mục tiêu 30% đặt ra theo Nghị quyết 17/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử. Dự kiến, đến hết năm 2020, Bộ Tài chính sẽ tăng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công từ 560 lên 634 dịch vụ (đạt 67%).

Bộ Tài chính đã trình Quốc hội ban hành 02 Luật, trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định cắt giảm và đơn giản hoá 163 điều kiện thuộc 20 ngành nghề kinh doanh, tổng số điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính còn hiệu lực hiện nay là 299 điều kiện.

Trong lĩnh vực thuế, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai đến 100% chi cục thuế tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, với 99,6% số doanh nghiệp tham gia; số doanh nghiệp đăng ký tham gia dịch vụ nộp thuế điện tử đạt 99,1%; thực hiện hoàn thuế điện tử đạt 96,8%; triển khai thí điểm cấp hóa đơn điện tử có xác thực tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; triển khai dịch vụ khai nộp thuế điện tử đối với cá nhân (hoạt động cho thuê nhà), dịch vụ nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy điện tử.

Đối với lĩnh vực hải quan, cơ quan hải quan đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các đơn vị thông qua hệ thống VNACSS/VCIS; triển khai cổng thanh toán điện tử tại tất cả các cục hải quan; triển khai hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin  khai hàng hóa điện tử (e-Manifest) tại các cảng biển...; kết nối 13/14 bộ, ngành, với 198 thủ tục hành chính được thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia và trên 39 nghìn doanh nghiệp tham gia. Cơ quan hải quan đã trao đổi chứng nhận xuất xứ (C/O) điện tử mẫu D với các nước ASEAN qua Cơ chế một cửa ASEAN. Đến nay, tổng số C/O mẫu D Việt Nam nhận được từ các nước là hơn 227 nghìn mẫu, Việt Nam gửi sang các nước là gần 385 nghìn mẫu qua Cơ chế một cửa ASEAN.

Những nỗ lực cải cách hành chính của Bộ Tài chính trong thời gian qua, đặc biệt là trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp như thuế, hải quan đã được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến ngày 19/5/2020 công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2019 (PAR index 2019) và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 (SIPAS 2019), Bộ Tài chính tiếp tục giữ vị trí thứ 2/17 bộ, cơ quan ngang bộ, với 94,77/100 điểm, tăng 4,58 điểm so với năm 2018.

Ông Phạm Quốc Trường - Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Quản lý Dự án Việt Long:

Ông Phạm Quốc Trường
Ông Phạm Quốc Trường

Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm soát chặt chẽ các TTHC thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nhằm mục tiêu cải cách TTHC một cách toàn diện và hiệu quả, thực hiện tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Để tiếp tục giảm thiểu thời gian và kinh phí của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong việc tuân thủ TTHC thuộc lĩnh vực tài chính, công tác cải cách TTHC cần đánh giá tác động và lấy ý kiến đơn vị kiểm soát TTHC đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC; tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Cơ chế “một cửa liên thông”...

Ông Vũ Tiến Văn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại & Dịch vụ Quốc tế Đại Việt:

Ông Vũ Tiến Văn
Ông Vũ Tiến Văn

Ở vị trí một doanh nghiệp, tôi đánh giá cao những nỗ lực cải cách hành chính của Bộ Tài chính trong thời gian qua. Đặc biệt, việc hiện đại hóa trong lĩnh vực thuế thông qua việc triển khai khai, nộp thuế điện tử đã giúp không chỉ Đại Việt mà cộng đồng doanh nghiệp nói chung tiết giảm được thời gian, chi phí thực hiện TTHC thuế, thuận tiện trong thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vừa qua, Bộ Tài chính đã kịp thời cải cách thể chế, có các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ trực tiếp cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đối với Đại Việt, chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất đã góp phần giúp Công ty giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh; việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cũng trực tiếp hỗ trợ cá nhân tôi cũng như người dân giảm bớt mức thuế phải nộp.