Chiến lược tài chính đến năm 2030: Xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững


Nhằm xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu cho nền kinh tế trước các bất ổn, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia, ngày 21/3/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 368/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030. Nội dung Chiến lược tài chính đến năm 2030 mang tính hệ thống, định hướng bao quát, dài hạn và hiện thực hóa các chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nêu rõ “Xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia. Thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030”. Mục tiêu này được xác định trên cơ sở coi trọng vai trò của chính sách tài chính trong huy động, giải phóng, định hướng phân bổ và sử dụng các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng trên cơ sở phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Chiến lược khẳng định cải cách, nâng cao chất lượng thể chế tài chính theo hướng đồng bộ, minh bạch và hội nhập là điều kiện tiên quyết thúc đẩy nền tài chính quốc gia phát triển lành mạnh; sử dụng đồng bộ, hiệu quả các công cụ của chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền vệ và các chính sách khác trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển nhanh, bền vững; đồng thời, coi trọng việc phát triển đồng bộ, hài hòa các loại thị trường, các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công phải đặt trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương; nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước (NSNN) để dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực khác; phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; cân đối nguồn lực phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, quản lý tài chính bằng pháp luật, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính; nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nền tảng tài chính số, tiếp tục hiện đại hóa ngành Tài chính.

Chiến lược cũng xác định các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể đến năm 2030 để làm cơ sở đề ra các định hướng, giải pháp cụ thể, đồng bộ và đột phá cho từng lĩnh vực, cụ thể gồm:

Đảm bảo nguồn lực tài chính ngân sách góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng:

Để thực hiện mục tiêu này, Chiến lược tài chính đến năm 2030 đã đưa ra các chỉ tiêu cụ thể, đó là: Tỷ lệ huy động vào NSNN giai đoạn 2021 - 2025 bình quân không thấp hơn 16% GDP và giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 16 - 17% GDP. Tỷ lệ huy động từ thuế, phí giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 13- 14% GDP và giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 14 - 15% GDP. Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN đến năm 2025 khoảng 85 - 86%, đến năm 2030 khoảng 86 - 87%.

Quản lý chi NSNN hiệu quả; tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN theo hướng bền vững; ưu tiên chi đầu tư phát triển và đảm bảo nguồn lực cho chi trả nợ, tăng cường nguồn lực NSNN cho dự trữ quốc gia, tăng chi đầu tư phát triển con người và bảo đảm an sinh xã hội:

Chiến lược tài chính đến năm 2030 đề ra chỉ tiêu cho giai đoạn 2021 - 2025 về tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN bình quân khoảng 62 - 63%, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi NSNN bình quân khoảng 28%. Trong tổ chức thực hiện, phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%. Giai đoạn 2026-2030, tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên, tăng tích lũy từ NSNN cho chi đầu tư phát triển.

Giai đoạn 2021 - 2030, ưu tiên bố trí NSNN để tăng cường tiềm lực dự trữ quốc gia, phù hợp với khả năng của NSNN để sẵn sàng ứng phó nhanh, hiệu quả trong các tình huống đột xuất, cấp bách và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Giảm dần bội chi NSNN; quản lý nợ công chặt chẽ, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia:

Thực hiện nhiệm vụ này, Chiến lược tài chính nêu rõ phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, giảm bội chi NSNN để đạt được chỉ tiêu bội chi ngân sách trong Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm 2021 - 2025 bình quân khoảng 3,7% GDP; đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP. Trường hợp có biến động, rủi ro lớn, Bộ Tài chính kịp thời báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Đối với các chỉ tiêu về nợ công, giai đoạn 2021 - 2025, trần nợ công hàng năm không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.

Phát triển đồng bộ, minh bạch và bền vững thị trường tài chính và dịch vụ tài chính:

Đối với thị trường chứng khoán (TTCK), Chiến lược tài chính đặt ra mục tiêu phát triển thị trường ổn định, hoạt động an toàn, hiệu quả, có cơ cấu hợp lý, cân đối giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu với thị trường trái phiếu và TTCK phái sinh. Đến năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP; dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, trong đó dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP. Đến năm 2030, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 120% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 58% GDP, trong đó, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP.

Đối với thị trường bảo hiểm, Chiến lược tài chính nêu rõ, phát triển toàn diện thị trường để đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế. Doanh thu ngành Bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 15%/năm, đến năm 2025, quy mô đạt khoảng 3 - 3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 là 10%/năm, đến năm 2030 quy mô đạt khoảng 3,3- 3,5% GDP.

Đối với thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, Chiến lược tài chính đề ra mục tiêu phát triển ổn định và nâng cao chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, tăng cường tính minh bạch trong lĩnh vực thẩm định giá, từng bước nâng cao năng lực, chất lượng thẩm định giá.

Đẩy nhanh việc đổi mới cơ chế tài chính đối với lĩnh vực sự nghiệp công lập:

Mục tiêu đề ra là hoàn thiện thể chế về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công đối với một số lĩnh vực cơ bản.

Về thực hiện tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, Chiến lược tài chính đề ra mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp lại DNNN. Đến năm 2030, củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

Đẩy mạnh thực hiện cơ chế quản lý, điều hành giá theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước:

Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện phương thức quản lý điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; đẩy nhanh thực hiện giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ công. Đến năm 2025, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, đảm bảo kết nối dữ liệu đến các bộ, ngành, địa phương.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nền tảng tài chính số, thực hiện hiện đại hóa nền tài chính quốc gia:

Chiến lược tài chính đặt mục tiêu xây dựng hệ thống thông tin quản lý thuế tích hợp công khai, minh bạch và hiệu quả. Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới; dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh; Phát triển hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kế toán nhà nước số, góp phần hình thành Kho bạc số vào năm 2030; Đẩy mạnh hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hàng dự trữ quốc gia; quản lý giám sát TTCK theo hướng hiện đại, hiệu quả.

Chiến lược tài chính đến năm 2030: Xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững - Ảnh 1

3 đột phá Chiến lược

Chiến lược tài chính đến năm 2030 đã đưa ra 3 đột phá về nâng cao chất lượng thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nền tảng tài chính số; khơi thông và phát huy tiềm lực tài chính. Cụ thể:

Thứ nhất, đẩy mạnh hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế tài chính đảm bảo tính đầy đủ, đồng bộ và hội nhập; thực hiện đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ NSNN để đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương; cơ cấu lại NSNN, phát triển thị trường tài chính hiện đại, minh bạch và bền vững.

Thứ hai, đổi mới cơ chế, chính sách tài chính cho phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh hiện đại hóa, phát triển nền tảng tài chính số trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số.

Thứ ba, khơi thông và phát huy tiềm lực tài chính cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; ưu tiên nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ về phục hồi và phát triển kinh tế.

11 nhóm giải pháp trọng tâm

Với 7 nhóm mục tiêu, nhiệm vụ chính và 3 đột phá chiến lược đến năm 2030, Chiến lược tài chính đến năm 2030 xác định 11 nhóm giải pháp trọng tâm cần thực hiện gồm: Cụ thể: (1) Hoàn thiện chính sách huy động các nguồn lực tài chính quốc gia, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thu NSNN; (2) Nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với việc thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững; (3) Quản lý chặt chẽ, hiệu quả bội chi NSNN, nợ công; cải thiện dư địa tài khóa, góp phần nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia; (4) Đổi mới cơ chế tài chính đối với khu vực sự nghiệp công lập; (5) Đẩy mạnh việc cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN; đổi mới quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; (6) Phát triển thị trường tài chính và dịch vụ tài chính đồng bộ, hiện đại, minh bạch và bền vững; (7) Thực hiện nhất quán công tác quản lý, điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; (8) Tăng cường hiệu quả hợp tác tài chính và chủ động hội nhập quốc tế về tài chính; (9) Tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý, giám sát tài chính; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; (10) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập nền tảng tài chính số; cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; (11) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và kiện toàn bộ máy ngành Tài chính hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Cụ thể hóa Chiến lược tài chính đến năm 2030

Chiến lược tài chính đến năm 2030 sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn, tương ứng với Kế hoạch tài chính 5 năm 2021 - 2025 và Kế hoạch tài chính 5 năm 2026-2030 sẽ đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp và khả thi trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ tài chính - NSNN, tránh tình trạng mục tiêu, nhiệm vụ đề ra vượt quá khả năng thực hiện. Cùng với Chiến lược tài chính đến năm 2030, ngành Tài chính cũng cụ thể hóa nhiệm vụ thông qua 08 chiến lược ngành gồm: (1) Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; (2) Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030; (3) Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030; (4) Chiến lược nợ công đến năm 2030; (5) Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030; (6) Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030; (7) Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030; (8) Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030.

Việc cụ thể hóa Chiến lược tài chính đến năm 2030 theo từng giai đoạn 5 năm sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra nhưng cũng là áp lực đối với ngành khi thực hiện các mục tiêu này, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, căng thẳng địa chính trị… có tác động không nhỏ tới sản xuất kinh doanh của DN và đời sống nhân dân, từ đó tác động trực tiếp tới NSNN làm giảm thu, tăng chi, đặc biệt là chi cho y tế, đảm bảo an sinh xã hội để thực hiện mục tiêu vừa ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất - kinh doanh, vừa đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Để tổ chức, thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính: (i) Chủ trì, tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2030; phê duyệt và chỉ đạo kế hoạch thực hiện các nội dung Chiến lược theo từng giai đoạn; (ii) Hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, nội dung có liên quan đến Chiến lược tài chính đến năm 2030; (iii) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan kiểm tra việc thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2030 và định kỳ 5 năm tổ chức đánh giá việc thực hiện Chiến lược; (iv) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh mục tiêu, nội dung Chiến lược trong trường hợp cần thiết; (v) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan cân đối, bố trí ngân sách nhà nước hằng năm theo quy định của Luật NSNN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để thực hiện Chiến lược này.

Đồng thời, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật, có trách nhiệm chỉ đạo, tham gia thực hiện các nội dung có liên quan của Chiến lược này.

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 368/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030;

2. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2020;

3. Tổng cục Thống kê, https://www.gso.gov.vn/.

Thông tin tác giả:

* TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính.

** Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2022.