Đặt doanh nghiệp làm trung tâm trong cải cách thể chế tài chính

Trần Huyền

Bộ Tài chính yêu cầu đơn vị thuộc Bộ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị phải đặt doanh nghiệp làm trung tâm cải cách, thực hiện cải cách thể chế vì sự phát triển và khuyến khích sáng tạo của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam theo thông báo tại Công văn số 4558/VPCP-KSTT ngày 21/7/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cải thiện các chỉ số về môi trường kinh doanh để đảm bảo triển khai có hiệu quả, đạt mục tiêu Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022, Bộ Tài chính đã có Công văn số 8547/BTC-VP ngày 26/8/2022 gửi thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ về việc thực hiện giải pháp cải thiện các chỉ số liên quan đến môi trường kinh doanh.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị đơn vị thuộc Bộ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã được cụ thể tại Quyết định số 39/QĐ-BTC ngày 11/01/2022 ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, tập trung triển khai giải pháp cải thiện các chỉ số: Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Moody’s, S&P và Fitch; Nâng xếp hạng chỉ số vốn hóa thị trường chứng khoán; Tiếp tục cải thiện chỉ số nộp thuế; Tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện các yếu tố môi trường kinh doanh liên quan đến lĩnh vực giao dịch thương mại qua biên giới.

Đặc biệt, trong quá trình xây dựng, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị phải đặt doanh nghiệp làm trung tâm cải cách, thực hiện cải cách thể chế vì sự phát triển và khuyến khích sáng tạo của doanh nghiệp. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi pháp luật theo lĩnh vực được phân công quản lý nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của các quy định; đảm bảo kỷ cương, kỷ luật đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; xử lý nghiêm công chức nhũng nhiệu, gây phiền hà cho doanh nghiệp; áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các đơn vị tiếp tục đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính; gắn cải cách thủ tục hành chính với việc xây dựng Chính phủ điện tử. Tập trung triển khai đồng bộ các dịch vụ công trực tuyến, không chỉ tăng về số lượng thủ tục hành chính kết nối điện tử mà cần đảm bảo tỷ lệ hồ sơ được thực hiện thuận lợi và thành công qua phương thức điện tử. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ và đánh giá thường xuyên về hiệu quả thực thi các giao dịch điện tử trong lĩnh vực được phân công quản lý.

Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, trong đó bao gồm cả các giải pháp về thúc đẩy chuyển đổi số thực hiện đồng bộ với cải cách hành chính; đẩy mạnh chuyển đối số cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và thương mại điện tử; minh bạch hoá quy trình, thủ tục hành chính, tiếp cận chính sách hỗ trợ của cơ quan nhà nước.

Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị thường xuyên tổ chức đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách để tham mưu giải quyết khó khăn, vướng mắc theo đúng quy định, đúng thẩm quyền. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, rà soát để xuất cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện theo hướng: Thu hẹp phạm vi của một số ngành, nghề; Đưa ngành, nghề ra khỏi danh mục nếu có biện pháp quản lý khác hiệu quả và phù hợp hơn; Đưa các ngành, nghề ra khỏi danh mục nếu yêu cầu quản lý thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn, không có mục tiêu quản lý hoặc mục tiêu quản lý không rõ ràng.

Bên cạnh đó, rà soát kiến nghị, đề xuất cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh nhằm tạo cơ hội kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, thúc đẩy cạnh tranh; kiểm soát chặt chẽ không quy định thêm các điều kiện tạo rào cản cho đầu tư, kinh doanh khi xây dựng, soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động tham vấn, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý. Trên cơ sở đó, xác địn các quy định không còn phù hợp với thực tế khách quan; các quy định không hợp lý; quy định không rõ ràng, cụ thể; quy định có sự chồng chéo, mâu thuẫn; quy định khác nhau về cùng một vấn đề, nội dung; … và kiến nghị phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp.

Ngoài ra, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.