Dịch bệnh COVID-19 càng "làm khó" cổ phần hoá, thoái vốn

Trần Huyền

Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã gây ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nói riêng. Việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp trong năm 2021 được dự báo không khả thi, nguồn thu từ bán vốn nhà nước sẽ không đảm bảo theo kế hoạch.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Cổ phần hoá các DN trong năm 2021 không khả thi

Theo Bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2021, các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đối với các đơn vị chưa hoàn thành theo kế hoạch giai đoạn 2016-2020 (cổ phần hóa 89 đơn vị, thoái vốn khoảng 250 đơn vị).

Đồng thời, tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch, lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn theo Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), DN có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 26/2021/QĐ-TTg ngày 12/8/2021 về danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

Cũng trong 9 tháng đầu năm 2021, có 03 DN (không thuộc kế hoạch giai đoạn 2016-2020) được phê duyệt phương án cổ phần hóa; các tập đoàn, tổng công ty thực hiện thoái vốn với giá trị 286,6 tỷ đồng, thu về 2.165 tỷ đồng, trong đó có 03 DN thuộc kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020 thực hiện thoái vốn giá trị 52,5 tỷ đồng, thu về 84,1 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), việc triển khai công tác cổ phần hóa các DN trong năm 2021 là không khả thi do nhiều đơn vị vẫn chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý về thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trước khi cổ phần hóa theo quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công; còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính phải xử lý.

Thêm vào đó, tác động của dịch bệnh COVID-19 cũng làm ảnh hưởng lớn đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực, ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị DN, lập phương án sử dụng đất để thực hiện cổ phần hóa, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định.

Thu từ cổ phần hóa, thoái vốn mới đạt 366 tỷ đồng

Nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN 9 tháng đầu năm 2021 là 366 tỷ đồng, không đáp ứng yêu cầu thu từ bán vốn nhà nước năm 2021 theo Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Cục Tài chính DN cho rằng, tại các địa phương kiểm soát được dịch sẽ nới lỏng dần phong tỏa nên tập trung triển khai thoái vốn nhà nước đối với các DN đã bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC đã niêm yết trên thị trường chứng khoán thực hiện theo hình thức khớp lệnh trực tiếp trên sàn giao dịch chứng khoán.

Dự kiến những tháng còn lại của năm 2021, nếu tình hình dịch bệnh được khống chế thì sẽ vẫn còn ảnh hưởng nhất định đến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn. Do đó, Cục Tài chính DN cho rằng, khả năng cân đối nguồn thu này để nộp vào ngân sách nhà nước sẽ không đảm bảo theo kế hoạch thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các DN trung ương nộp năm 2021 là 40.000 tỷ đồng.

Đối với việc cân đối 20.000 tỷ đồng cho ngân sách trung ương, Cục Tài chính DN trình Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN chỉ đạo SCIC thực hiện thoái vốn nhà nước tại 05 DN: Tập đoàn FPT; Tổng công ty cổ phần Bảo Minh; Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong; Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam; Tập đoàn Bảo Việt. Giá trị phần vốn nhà nước thoái là 1.858 tỷ đồng và ước số tiền chênh lệch từ thoái vốn là 8.400 tỷ đồng. Đồng thời, thoái vốn tại Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) với giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá là 1.895,9 tỷ đồng, giá trị dự kiến thu về là 12.152 tỷ đồng.

Cục Tài chính DN dự kiến, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn thuộc ngân sách trung ương sẽ đáp ứng khoảng 20.000 tỷ đồng trong trường hợp triển khai thành công theo đúng các danh mục DN thoái vốn nêu trên và nộp toàn bộ nguồn thu từ thoái vốn về ngân sách nhà nước (bao gồm cả phần vốn nhà nước và giá trị chênh lệnh khi thoái vốn).

Hiện nay, việc thoái vốn của SCIC chưa phân định rõ ràng giữa việc thoái vốn nhà nước tại các DN chuyển giao về để SCIC quản lý và các DN thuộc danh mục thoái vốn giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025 chuyển giao về SCIC để thực hiện thoái vốn.

Vì vậy, Cục Tài chính DN trình Bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ giao Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN chỉ đạo SCIC thực hiện nộp toàn bộ tiền thu từ bán vốn nhà nước tại các DN thực hiện thoái vốn trong giai đoạn 2021-2025 về ngân sách nhà nước (bao gồm cả giá trị tương ứng phần vốn nhà nước đem bán và thặng dư bán vốn nhà nước) sau khi đã trừ đi các chi phí hợp lý để thực hiện công tác bán vốn nhà nước tại 05 DN nêu trên và các DN thuộc danh mục thoái vốn giai đoạn 2021-2025 chuyển giao về SCIC để thực hiện thoái vốn.