Giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đạt 34,47% kế hoạch

Trần Huyền

Theo Bộ Tài chính, hiện nay kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa phân bổ hết, tỷ lệ giải ngân vẫn thấp. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ ước giải ngân 7 tháng năm 2022 đạt 34,47%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (36,71%).

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Chưa phân bổ hết kế hoạch vốn

Theo Bộ Tài chính, tổng số vốn đầu tư công năm 2022 đã phân bổ là 534.596,939 tỷ đồng, đạt 98,61% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao; trong đó, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 48.948,071 tỷ đồng.

Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 56.457,027 tỷ đồng, chiếm 10,41% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, vốn trong nước là 56.032,125 tỷ đồng, vốn ngoài nước là 424,902 tỷ đồng.

Đối với nguồn vốn ngân sách trung ương, có 10/51 Bộ và 13/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Một số Bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao (trên 50%) như: Ủy ban dân tộc (97,59%), Thanh tra Chính phủ (84,92%), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (84,38%), Bộ Y tế (60,31%), Bộ Tư pháp (54,04%).

Nguyên nhân của tình trạng trên là do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư hoặc chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Đối với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, có 46/63 địa phương giao kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương tăng so với Thủ tướng Chính phủ giao từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn tăng thu, nguồn xổ số kiến thiết của địa phương. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn 11/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương. Nguyên nhân được chỉ ra là do một số địa phương mới giao kế hoạch đợt 1, một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư và nguồn bội chi sẽ được phân bổ sau.

Tỷ lệ giải ngân thấp hơn cùng kỳ năm 2021

Về giải ngân vốn kế hoạch năm 2022, số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6/2022 là 148.836,03 tỷ đồng, đạt 25,18% kế hoạch (591.053,966 tỷ đồng) và đạt 27,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (542.105,895 tỷ đồng). Trong đó, vốn trong nước là 145.663,20 tỷ đồng (đạt 26,19% kế hoạch giao là 556.253,966 tỷ đồng); vốn nước ngoài là 3.172,83 tỷ đồng (đạt 9,12% kế hoạch giao là 34.800 tỷ đồng).

Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/7/2022 là 186.848,16 tỷ đồng, đạt 31,61% kế hoạch (đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); trong đó, vốn trong nước là 182.706,70 tỷ đồng (đạt 32,85% kế hoạch và đạt 36,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); vốn nước ngoài là4.141,46 tỷ đồng (đạt 11,90% kế hoạch).

Như vậy, nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ ước giải ngân 7 tháng năm 2022 đạt 34,47%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (36,71%); trong đó vốn trong nước đạt 36,02%(cùng kỳ năm 2021 đạt 40,38%), vốn nước ngoài đạt 11,90%(cùng kỳ năm 2021 đạt 7,52%).

Theo Bộ Tài chính, có 03 bộ và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 40%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (71,55%), Ngân hàng phát triển (49,42%), Ngân hàng Chính sách xã hội (48,3%), Tiền Giang (58,7%), Phú Thọ (56,4%),Thái Bình (55,1%). Bên cạnh đó, có 36/51 Bộ và 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%, trong đó có 26 bộ và 02 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 15%.

Để đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn quan trọng này, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương xử lý ngay những tồn tại, hạn chế; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, rà soát, kịp thời đề xuất điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, bao gồm việc điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án trọng điểm, có tính chất liên kết vùng, đường ven biển. Các địa phương chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn điều chuyển từ các dự án trọng điểm, có tính kết nối liên vùng, đường ven biển phải bảo đảm hiệu quả, đúng quy định pháp luật.  

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ chiều ngày 3/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo về công tác giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phải đề cao hơn nữa trách nhiệm Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

Các bộ ngành, địa phương tự rà soát lại các thủ tục, công việc cần triển khai để chỉ đạo thực hiện đúng quy định, tránh tiêu cực, tham nhũng; rà soát các quy định thuộc phạm vi quản lý, nếu thuộc thẩm quyền thì sửa ngay, nếu thuộc thẩm quyền Chính phủ thì đề xuất Chính phủ và báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền với các vấn đề vượt thẩm quyền. Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về nội dung này, tạo chuyển biến thực sự trong thời gian tới...