Kho bạc Nhà nước tiếp tục cải cách hành chính, hướng đến nền hành chính phục vụ

Nhật Tân

Hướng đến hình thành “Kho bạc số”, lấy khách hàng làm trọng tâm, thời gian qua, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã đồng bộ triển khai và thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp cải cách, từ tổ chức bộ máy đến hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, an toàn và hiệu quả.

Công chức Kho bạc Nhà nước Bến Tre đang kiểm soát chứng từ trên dịch vụ công trực tuyến.
Công chức Kho bạc Nhà nước Bến Tre đang kiểm soát chứng từ trên dịch vụ công trực tuyến.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, trong thời gian qua, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã tích cực cải cách cơ chế chính sách, triển khai nhiều dự án hiện đại hóa trong công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch về quy trình, thủ tục; hiện đại về công nghệ; đảm bảo quản lý chặt chẽ tiền, tài sản Nhà nước.

Đặc biệt, để thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, Kho bạc Nhà nước tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách thuộc lĩnh vực quản lý của mình, trong đó, nổi bật là trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 quy định thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.

Đến hết năm 2020, Kho bạc Nhà nước đã cung cấp 09/11 thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Đã tích hợp 07/09 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (đạt 77,8%), vượt chỉ tiêu so với kế hoạch được giao năm 2020 (tối thiểu 30%); 100% đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thuộc đối tượng bắt buộc đã đăng ký tham gia dịch vụ công trực tuyến; Lượng chứng từ thanh toán quan dịch vụ công trực tuyến chiếm tỷ lệ 98%.

Nỗ lực cải cách trên nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng Kho bạc điện tử, tiến tới Kho bạc số với 3 không: “Không khách hàng tại trụ sở”, “Không tiền mặt” và “Không giấy tờ”. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng đến giao dịch, đảm bảo minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước và hạn chế tiếp xúc trực tiếp khi giao dịch, góp phần phòng chống dịch Covid-19.

Đặc biệt, nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt và tạo thuận lợi hơn nữa cho cá nhân, doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước, trong năm 2020, Kho bạc Nhà nước đã thực hiện mở rộng việc phối hợp thu ngân sách giữa Kho bạc Nhà nước với các ngân hàng thương mại cổ phần.

Cụ thể phối hợp với một số ngân hàng thương mại cổ phần trong việc mở và sử dụng hệ thống tài khoản chuyên thu của Kho bạc Nhà nước tại ngân hàng và thực hiện phối hợp thu, ủy nhiệm thu ngân sách nhà nước; đồng thời, kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu điện tử về thu ngân sách giữa ngân hàng và Kho bạc Nhà nước. Qua đó, giúp giảm thiểu thời gian, thủ tục và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho các đơn vị dự toán ngân sách, chủ đầu tư và người dân trong quá trình giao dịch với các đơn vị trong hệ thống Kho bạc Nhà nước, đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành ngân quỹ nhà nước…

Thông qua đó, toàn bộ khoản thu ngân sách qua ngân hàng sẽ được ghi nhận trực tiếp ngay vào hệ thống các tài khoản chuyên thu của Kho bạc tại ngân hàng, bảo đảm tập trung kịp thời vào ngân sách nhà nước; đồng thời, truyền thông tin về khoản thu sang Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan nhanh chóng, an toàn và thuận lợi.

Cùng với đó, Kho bạc Nhà nước tiếp tục quản lý ngân quỹ nhà nước theo hướng an toàn, chủ động, minh bạch và hiệu quả; gắn kết quản lý ngân quỹ với quản lý ngân sách và quản lý nợ. Trong năm 2020, Kho bạc Nhà nước tiếp tục nộp ngân sách trung ương từ thu hoạt động nghiệp vụ quản lý ngân quỹ nhà nước 3.000 tỷ đồng.

Trong năm qua, Kho bạc Nhà nước tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020, tạo nền tảng vững chắc để bước vào Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2021-2030.

Tính đến hết năm 2020, Kho bạc Nhà nước đã cung cấp 09/11 thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Đã tích hợp 07/09 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (đạt 77,8%), vượt chỉ tiêu so với kế hoạch được giao năm 2020 (tối thiểu 30%); 100% đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thuộc đối tượng bắt buộc đã đăng ký tham gia dịch vụ công trực tuyến; Lượng chứng từ thanh toán quan dịch vụ công trực tuyến chiếm tỷ lệ 98%.