Mấu chốt quan trọng của hành trình tiến tới Kho bạc số

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2021

Hệ thống Kho bạc Nhà nước đang gấp rút hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Chiến lược này đặt mục tiêu đến năm 2030, Kho bạc Nhà nước sẽ không còn hồ sơ bằng giấy.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, Kho bạc Nhà nước tiếp tục cải cách, hiện đại hóa toàn diện; xây dựng và triển khai kiến trúc tổng thể hệ thống công nghệ thông tin phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử và kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Tài chính.

Trên nền tảng đạt được từ thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020, Kho bạc Nhà nước đang gấp rút hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

Dự thảo Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu tổng quát là xây dựng hệ thống Kho bạc tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, với 3 trụ cột chính: (1) Tổ chức bộ máy theo mô hình kho bạc khu vực; (2) Nghiên cứu mô hình kho bạc hai cấp; (3) Nâng cao chất lượng dịch vụ kho bạc; nâng cao hiệu suất hoạt động, giảm thiểu chi phí giao dịch, tự động hóa quy trình giao dịch (hồ sơ điện tử, kiểm soát điện tử)...

Cụ thể, đến năm 2030, mọi giao dịch qua hệ thống Kho bạc đều được số hóa. Kho bạc số là mô hình kho bạc được tổ chức và hoạt động nhằm tận dụng các ưu thế của dữ liệu số trong việc tối ưu hóa, chuyển đổi và tạo ra các dịch vụ để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Kho bạc Nhà nước.

Kho bạc số cũng sẽ giúp hợp lý hóa các quy trình nghiệp vụ thủ công, giảm thiểu thời gian xử lý và đặc biệt sẽ cải thiện năng suất và hiệu quả công việc tại kho bạc. Các đơn vị trong hệ thống Kho bạc Nhà nước cũng sẽ không còn hồ sơ bằng giấy và công chức kho bạc không còn phải thực hiện các bước kiểm soát, thanh toán vốn theo phương thức thủ công… Việc quản lý, thu thập, kiểm soát và lưu trữ tài liệu cũng sẽ được tối ưu hóa, đảm bảo tính khả dụng của thông tin cho người sử dụng cuối, kể cả khả năng phục hồi thảm họa.

Như vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ đóng vai trò quan trọng, được coi là nền tảng của việc chuyển đổi số và số hóa hoạt động Kho bạc Nhà nước trong tương lai. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, còn rất nhiều việc hệ thống Kho bạc Nhà nước cần chú trọng đẩy mạnh, nhất là về hạ tầng công nghệ thông tin.

Kho bạc Nhà nước xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng của hệ thống trong thời gian tới là xây dựng và triển khai kiến trúc tổng thể hệ thống công nghệ thông tin của Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2021-2030 phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử và kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Tài chính, đảm bảo khả năng trao đổi thông tin theo thời gian thực với các hệ thống công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan.

Theo đó, Kho bạc Nhà nước sẽ xây dựng và triển khai lộ trình nâng cấp, phát triển hệ thống TABMIS và các hệ thống công nghệ thông tin thành hệ thống ngân sách và kế toán nhà nước số.

Hệ thống TABMIS có khả năng cung cấp thông tin, báo cáo đa chiều và mở rộng khả năng truy cập (trực tiếp hoặc gián tiếp) tới người dân, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị.

Hệ thống TABMIS đóng vai trò là hệ thống lõi trong kiến trúc công nghệ thông tin Kho bạc Nhà nước, tích hợp, kết nối dữ liệu tự động với các hệ thống, ứng dụng công nghệ thông tin có liên quan; sử dụng các công nghệ hiện đại nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch và đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính-ngân sách.

Bên cạnh đó, cung cấp các dịch vụ kho bạc và dữ liệu mở về tài chính-ngân sách quốc gia, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ cũng là nhiệm vụ đặt ra đối với hệ thống Kho bạc Nhà nước trong thời gian tới.

Trong những năm gần đây, Kho bạc Nhà nước đã triển khai hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây, vừa đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin hoạt động ổn định, đồng thời sử dụng linh hoạt, hiệu quả hạ tầng mạng, máy chủ, lưu trữ. Nhờ vậy, đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các hoạt động nghiệp vụ, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm.

Như vậy, Kho bạc Nhà nước sẽ phải tăng cường cải cách, hiện đại hóa toàn diện, lấy khách hàng làm trọng tâm phục vụ. Thiết kế mô hình kho bạc chuẩn với cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với yêu cầu cải cách của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương theo hướng chuyển đổi số, số hóa và hướng tới nền hành chính phục vụ.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ thông tin và cần kiến trúc lại hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng hiện đại hóa; đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, thống nhất về hạ tầng công nghệ thông tin và kỹ thuật nghiệp vụ. Trong đó, chú trọng đến các chương trình ứng dụng quản lý ngân sách, dịch vụ công trực tuyến, giao dịch thanh toán và các dự án, chương trình lớn, phục vụ giai đoạn chuyển đổi từ kho bạc điện tử sang kho bạc số theo đúng định hướng chính phủ điện tử và chính quyền số.

Các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở để phát triển hệ thống Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2021-2030 cũng cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, đảm bảo hoạt động của Kho bạc Nhà nước theo hướng hiện đại, hiệu quả và mang tính hành chính phục vụ.

Một yếu tố nữa hệ thống Kho bạc Nhà nước cũng cần chú trọng đẩy mạnh trong thời gian tới, đó là công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi vì, để đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2021-2030, hệ thống Kho bạc Nhà nước cần có đội ngũ cán bộ công chức tinh thông về nghiệp vụ, am hiểu về công nghệ, có năng lực nghiên cứu và tư duy đổi mới, sáng tạo, năng động và chuyên môn hoá. 

Quan trọng hơn, để hình thành kho bạc số, ngoài hệ thống Kho bạc Nhà nước, cần có sự hợp sức từ các tổ chức, cơ quan, chính quyền các cấp trong việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng.