Ngành Thuế:

Thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền về chính sách thuế

Việt Dũng

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà - Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế), với vai trò là cơ quan tham mưu và thực thi chính sách, cơ quan Thuế các cấp đã nỗ lực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh.

Cán bộ, công chức ngành Thuế thực hiện hỗ trợ trực tuyến giải đáp chính sách thuế và các thủ tục hành chính thuế cho doanh nghiệp, người nộp thuế.
Cán bộ, công chức ngành Thuế thực hiện hỗ trợ trực tuyến giải đáp chính sách thuế và các thủ tục hành chính thuế cho doanh nghiệp, người nộp thuế.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người nộp thuế nắm bắt sớm nhất về chính sách thuế

Tại diễn đàn trực tuyến "Hỗ trợ DN trong đại dịch COVID-19: Từ chính sách đến thực tiễn” được Tạp chí Hải quan tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, trong thời gian qua, ngành Thuế luôn tăng cường công tác tuyên truyền hỗ trợ để làm sao người nộp thuế nắm bắt sớm nhất về chính sách, từ đó áp dụng một cách dễ dàng nhất và được thụ hưởng đúng đối tượng cũng như mục đích thiết kế chính sách mà Nhà nước ban hành.

Trong năm 2020, Chính phủ đã thực hiện hai nhóm chính sách chính là gia hạn và miễn, giảm các khoản tiền thuế, tiền thuê đất... cho người dân, DN với số tiền lên đến 129 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 97,5 nghìn tỷ đồng là thực hiện theo chính sách gia hạn các khoản phải đóng góp vào ngân sách và 31,5 nghìn tỷ đồng là miễn giảm trực tiếp cho người nộp thuế. Việc triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ người nộp thuế trong năm 2020 đã phần nào giúp người dân và DN bớt đi khó khăn và vượt qua dịch.

Tuy nhiên, sang năm 2021, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đặc biệt là đợt bùng phát thứ ba ở các cụm khu công nghiệp miền Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và đợt bùng phát thứ tư ở khu công nghiệp Nam Trung bộ, Bộ Tài chính đã tham mưu với Chính phủ tiếp tục duy trì miễn giảm cho khoảng 30 loại phí, lệ phí có tác động đến hoạt động của DN và đời sống người dân, duy trì giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thiết yếu...

Khi dịch COVID-19 bùng phát ở cụm công nghiệp miền Bắc, Bộ Tài chính đã kịp thời xây dựng, tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP (được xây dựng trên cơ sở của Nghị định số 41/2020/NĐ-CP), trong đó gia hạn nộp thuế cho các loại thuế như: thuế GTGT, thuế TNDN, thuế đối với hộ kinh doanh và thuế TNCN cũng như tiền thuê đất.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP, ngay lập tức, Tổng cục Thuế đã có văn bản gửi toàn hệ thống yêu cầu thông tin đến tất cả nhóm đối tượng thụ hưởng để người nộp thuế biết sớm nhất thông tin về chính sách mới. Do thời gian ban hành chính sách chỉ trước 5 hoặc 10 ngày so với thời điểm người nộp thuế thực hiện thủ tục về thuế nên khi nhận được thông tin kịp thời là rất quan trọng để người nộp thuế điều chỉnh, cân đối việc thực hiện thủ tục về thuế và sắp xếp trong vốn nguồn tài chính của DN mình.

Tính đến ngày cuối tháng 9/2021, triển khai Nghị định số 52/2021/NĐ-CP, đã hỗ trợ gia hạn 78 tỷ đồng cho người dân và DN trên cả nước. Trong đó, tiền thuế GTGT được hỗ trợ nhiều nhất với khoảng 60 % tổng số tiền thuế được gia hạn. Chính sách được triển khai nhanh chóng đã giảm bớt áp lực cho người dân và DN, tạo điều kiện cho DN có thêm nguồn lực tài chính để sản xuất.

Đánh giá về chính sách mới sẽ tác động như thế nào đến hoạt động của DN, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ gói hỗ trợ mới với giá trị là 21,3 nghìn tỷ đồng tập trung vào bốn nhóm chính sách. Trong đó, thuế GTGT là thuế gián thu nên Bộ Tài chính đề xuất áp dụng cho những nhóm sản phẩm hàng hóa thiết yếu phục vụ cho đời sống. Nhóm thứ hai là hộ kinh doanh vốn là đối tượng bị tổn thương nhất bởi đại dịch COVID. Nhóm đối tượng này có quy mô còn nhỏ hơn cả những DN siêu nhỏ, số lượng hộ kinh doanh phải đóng cửa do tác động của dịch là rất lớn. Nhóm thứ ba là tiền thuê đất và nhóm cuối cùng là thuế TNDN.

Ngoài ra, ngành Thuế có hệ thống truyền thông khá rộng từ các kênh tuyên truyền khác nhau trên cả nước và phối hợp với các cơ quan truyền thông từ trung ương đến địa phương. Đồng thời, cơ quan Thuế các cấp mở những tài khoản chính thức của đơn vị tại các địa phương để kịp thời nhanh chóng đưa những thông tin chính sách đến người nộp thuế.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế quản lý trực tiếp tại địa bàn có nhiệm vụ rà soát cơ sở dữ liệu trong hệ thống thuế để nắm được những khoản thuế phát sinh phải nộp những khoản thuế định kỳ đến thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ với ngân sách, sau đó gửi thông tin đến người nộp thuế qua tin nhắn hoặc tài khoản điện tử, hoặc có những thư ngỏ để thông báo cho người nộp thuế để người nộp thuế nắm được có những chính sách mới...

Liên tục nâng cấp các ứng dụng để tạo thuận lợi cho người nộp thuế 

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh phải giãn cách trong thời gian dài tại nhiều địa phương, thì “chuyển đổi số” là cụm từ được nhắc đến khá nhiều và đang dẫn đầu xu thế. Theo Tổng cục Thuế, tác động của dịch COVID-19 trong năm 2021 được đánh giá là nghiêm trọng hơn nhiều so với năm 2020, tuy nhiên trong thách thức này, làn sóng chuyển đổi số đã đang diễn ra mạnh mẽ.

Tổng cục Thuế xác định, chuyển đổi số là tất yếu và đây là thời điểm cần phải tăng tốc, có những hành động giải pháp triển khai cụ thể, thiết thực để nâng cao năng lực điều hành của chính cơ quan thuế, cũng như tăng cường hỗ trợ người dân và DN vượt qua những khó khăn do đại dịch gây ra.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, để triển khai các chính sách mới, cơ quan thuế đã hỗ trợ người nộp thuế bằng cách liên tục nâng cấp các ứng dụng để người nộp thuế có thể dễ dàng thực hiện các thủ tục thuế hoặc chính sách gia hạn miễn giảm bằng phương thức điện tử.

Cơ quan thuế cũng thực hiện kiểm soát, rà soát, đối chiếu cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin về quản lý các đối tượng thuê đất để biết được người nộp thuế gửi đề nghị có đúng đối tượng hay không. Tất cả những công việc này được thực hiện trên hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin nên tính chính xác cao. 

Ngành Thuế cũng đã nâng cấp các ứng dụng để người một thuế có thể dễ dàng khai báo thông tin hoặc tra cứu thông tin có sẵn trong hệ thống quản lý của cơ quan thuế tránh tình trạng xác định không đúng đối tượng...

Với việc thực hiện trên hệ thống chung đồng bộ thống nhất, khi thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan Thuế, mọi thứ rất rõ ràng, minh bạch, từ thời gian gửi hồ sơ đến thời gian nhận trả lời. Các nội dung hướng dẫn giải trình của cơ quan thuế đều được lưu trữ trên hệ thống và người nộp thuế đều được tra cứu theo tài khoản riêng của người nộp thuế.