Thực trạng công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại hiện nay


Công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong thời gian vừa qua tuy đã được tập trung chỉ đạo nhưng vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản.

Công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.
Công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.

Tại hội thảo chuyên đề về khó khăn, vướng mắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp cùng Cơ quan thường trực (Tổng cục Hải quan) tổ chức mới đây đã có nhiều kiến nghị nhằm thực hiện hiệu quả sự phối, kết hợp giữa các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Thực trạng trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) đánh giá, tình trạng hàng giả, hàng có nguồn gốc từ nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi và gia tăng mạnh trên môi trường mạng. Tình trạng trốn thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp qua khai báo gian dối về giá, chuyển giá vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng lợi dụng chính sách quản lý rủi ro để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp... nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, nguyên nhân của những yếu kém này là do chúng ta chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy chế, quy trình công tác, có biểu hiện bao che, thậm chí có trường hợp bảo kê cho tội phạm, vi phạm pháp luật, tham nhũng khi thi hành công vụ.

Kỷ luật, kỷ cương hành chính có nơi, có lúc chưa nghiêm, chưa đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Một số quy định pháp luật liên quan công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn bất cập, sơ hở, có khoảng trống, nhất là liên quan đến việc xác định xuất xứ, xác định hàng giả...

Cũng theo đánh giá của Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế cho biết, thời gian qua, việc phối hợp đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở các cấp, các ngành, địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Vẫn còn tình trạng cát cứ địa bàn, lợi ích, thành tích, vùng miền, lực lượng trong công tác phòng, chống buôn lậu. Sự chồng chéo về phân công, phân cấp, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền xử lý, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu dẫn đến buông lỏng quản lý. Chính vì vậy, từ thực tiễn tại mỗi địa phương, đơn vị, phải đề xuất được những giải pháp, kiến nghị cụ thể, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Những khó khăn, vướng mắc

Hiện có ba nhóm vấn đề liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả bao gồm: Những vướng mắc liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật đối với nhóm hàng lậu, nhóm hàng cấm; Các vấn đề liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật đối với nhóm hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả... trên không gian mạng; Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng chức năng thực thi chống buôn lậu và các quy định khác của pháp luật.

Có thể thấy, trong quá trình triển khai hoạt động, rất nhiều khó khăn, vướng mắc như khó khăn về mặt văn bản pháp luật trong việc xác định yếu tố biên giới, biên giới vùng trời, biên giới lòng đất, nơi thông quan hàng hóa; yếu tố biên giới; vùng chồng lấn tranh chấp.

Bên cạnh đó, việc xác định số lượng, định lượng, trị giá, tang vật, vật chứng để làm căn cứ xử lý: Số lượng, định lượng được quy định cụ thể trong điều, khoản của luật, nghị định; Số lượng, định lượng không quy định cụ thể trong điều, khoản của luật, nghị định; Giá trị tang vật, vật chứng do hội đồng định giá xác định; Tang vật, vật chứng không xác định được giá trị, hóa đơn, chứng từ… Trong đó, công tác xác định danh mục hàng cấm, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ… kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả... trên không gian mạng; ủy thác điều tra và kết quả thực hiện ủy thác; công tác giám định, định giá tài sản; xử lý tang vật, vật chứng cũng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác phối hợp và tổ chức triển khai thực hiện.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, để khắc phục những khó khăn, bất cập nêu trên, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Xác định các lĩnh vực công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các bộ, ngành, địa phương.