Yếu tố nào sẽ tác động tới công tác điều hành giá thời gian tới?


Năm 2021 dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế nói chung và công tác điều hành giá nói riêng, để đảm bảo mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 4%. Nhiều yếu tố được đoán định sẽ tác động tới kiểm soát lạm phát và quản lý giá trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Năm 2021, Quốc hội đã quyết định CPI tăng khoảng 4%. Nhận định về các yếu tố tác động bất lợi tới công tác điều hành giá trong năm 2021, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, nhóm mặt hàng nhiên liệu, xăng dầu diễn biến hết sức phức tạp, có yếu tố tăng, có giảm nhưng diễn biến rất bất thường khiến cơ quan quản lý không thể dự báo hết được. Theo ông Tuấn, giá xăng dầu trong năm 2021 sẽ có xu hướng tăng.

Đối với nhóm các mặt hàng thiết yếu, trong đó có mặt hàng thịt lợn cũng rất quan ngại nếu không thể kiểm soát tốt dịch bệnh. Ngoài ra, tình hình thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến nguồn cung cũng như tác động tới thị trường. Bên cạnh đó, công tác điều hành giá một số mặt hàng Nhà nước còn tiếp tục phải thực hiện theo lộ trình như dịch vụ công (y tế, giáo dục) cũng là áp lực đối với công tác điều hành giá năm 2021.

Đặc biệt, trong năm 2021, dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn hết sức phức tạp sẽ tác động tới công tác điều hành giá và kiểm soát lạm phát. Trong đó, dịch bệnh sẽ làm hoạt động kinh tế phục hồi chậm lại, các quốc gia triển khai các gói kích thích kinh tế với quy mô lớn sẽ làm các giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thị trường thế giới biến động theo chiều hướng tăng rõ rệt hơn và tác động tới thị trường, giá cả trong nước.

Ở chiều ngược lại, trong bối cảnh còn nhiều yếu tố bất định liên quan đến dịch bệnh, tổng cầu của nền kinh tế khó có khả năng phục hồi mạnh trở lại như giai đoạn trước dịch. Đặc biệt, tình hình kinh doanh một số lĩnh vực như lưu trú, du lịch, giải trí, hàng không... dự báo gặp nhiều khó khăn, do đó mặt bằng giá cả mặt hàng thiết yếu dự kiến không có biến động.

Bên cạnh đó, tâm lý tiết kiệm chi tiêu bởi thu nhập còn hạn chế của người dân dẫn đến sức mua còn yếu, cùng với các biện pháp điều hành thị trường nên giá cả vẫn tương đối ổn định trong thời gian qua nên mặt bằng giá hàng hóa nhìn chung ít có khả năng tăng đột biến trong thời gian tới...

Để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.

Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc điều hành giá của một số mặt hàng thiết yếu theo các giải pháp đã được đề ra theo nguyên tắc điều hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát; thận trọng trong việc điều hành giá những tháng đầu năm để tránh lạm phát kỳ vọng trong thời điểm dịch bệnh.

Được biết, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã xây dựng và lên kịch bản điều hành giá trong năm 2021, bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% Quốc hội đề ra. Với kinh nghiệm điều hành kiểm soát lạm phát thành công 5 năm liên tiếp sẽ là tiền đề để Chính phủ tiếp tục kiểm soát lạm phát năm 2021 và các năm tiếp theo.