Agribank cam kết tiếp tục cùng Tây Nguyên phát triển bền vững

PV.

Hiện tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đạt 222.121 tỷ đồng, tương đương 10 tỷ USD, tăng 19,5%. So với mức tăng trưởng tín dụng bình quân của cả nước là 18,39%. Sự hiệu quả của đồng vốn đang khích lệ nhiều người dân, doanh nghiệp đầu tư, bỏ vốn vào Tây Nguyên hơn.

Từ kết quả đã làm được và niềm tin vững chắc vào tương lai phát triển của khu vực Tây Nguyên, phát huy kinh nghiệm của gần 30 năm gắn bó đồng hành nông nghiệp, nông thôn và nông dân, với mạng lưới rộng lớn có mặt khắp mọi vùng miền, thôn buôn và đội ngũ cán bộ nhân viên am hiểu gắn bó với địa phương và bà con nông dân, Agribank xác định tiếp tục tăng tỷ trọng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn khu vực Tây Nguyên lên tới 90% tổng dư nợ, tăng cấp tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp và khách hàng hộ sản xuất và cá nhân.

Song hành với đó, Agribank tăng cường triển khai mở rộng cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng gắn với nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất quy mô lớn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao;

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội  nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và đảm bảo giữ vững an ninh quốc phòng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên.

Phát huy vai trò chủ lực của ngân hàng thương mại (NHTM) trên thị trường tài

chính nông thôn, trong tổng dư nợ tín dụng 795 nghìn tỷ đồng, 70% tổng dư nợ được Agribank đầu tư cho vay nông nghiệp, nông thôn, chiếm 51% tổng dư nợ cho vay của toàn ngành ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này.

Riêng tại Tây Nguyên, tỷ lệ đầu tư nông nghiệp, nông thôn của Agribank chiếm đến 87% tổng dư nợ của ngân hàng và chiếm 1/3 trong tổng mức vốn tín dụng 10 tỷ USD mà hệ thống ngân hàng đã và đang cho vay tại địa bàn.

Ở khu vực được mênh danh là “Thủ phủ” của cà phê, dư nợ cho vay của Agribank đối với ngành cà phê tại Tây Nguyên đạt 13.397  tỷ đồng, chiếm 30% tổng dư nợ cho vay ngành cà phê của các tổ chức tín dụng (TCTD) tại địa bàn.

Riêng về tái canh cà phê, đến nay, 6.302  khách hàng đã được vay vốn lãi suất ưu đãi để thực hiện tái canh và trên 10.000 ha cà phê đã được tái canh từ nguồn vốn Agribank.

Hiện thực hóa cam kết trên, trong chuỗi sự kiện quan trọng của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 – năm 2017, bên cạnh đồng hành cùng Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần thứ 4, Agribank sẽ có tham luận tại các Hội thảo “Phát triển nông nghiệp Tây Nguyên: Góc nhìn từ các nông dân tỷ phú”; “Phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế"… với mong muốn cùng ngành nông nghiệp Tây Nguyên, ngành cà phê Việt Nam tìm ra những giải pháp, bước đi phù hợp, vững chắc vì tương lai một nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.