Agribank tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh
Nguồn vốn của Agribank hiện chiếm trên 50% thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn. Thông qua triển khai các chương trình tín dụng, Agribank đã kịp thời phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, nhất là các đối tượng chính sách và các lĩnh vực ưu tiên, góp phần chung tay cùng các cấp, các ngành đẩy lùi tín dụng đen, tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo trong việc cung ứng nguồn vốn phục vụ phát triển “tam nông”.
Theo Thống kê của NHNN, tính đến ngày 24/9/2019, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế đạt 8,64% so với cuối năm 2018. Tín dụng hướng vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như: Tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 22,04%; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 13,2%; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,42%; tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 6%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 1,85%, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán được tăng cường kiểm soát.
Tích cực cùng ngành Ngân hàng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Từ đầu năm 2019 đến nay, Agribank đã chủ động giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên và các chương trình tín dụng của Chính phủ. Mức lãi suất cho vay của Agribank đối với các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ hiện đang ở mức thấp nhất thị trường (5,5%/năm), giảm 1% so với mức quy định của Ngân hàng Nhà nước (6,5%).
Cùng với hạ lãi suất, Agribank còn cân đối hỗ trợ thu mua lúa gạo vụ Đông Xuân cho người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đồng hành cùng bà con nông dân bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm tiền vay, hạ lãi suất cho vay, tiếp tục cho vay mới để tái đàn sau khi dịch kết thúc…
Đặc biệt, trước tình trạng mưa lớn kéo dài, tình hình hồ tiêu rớt giá, Agribank tại các địa phương đã chủ động rà soát, kiểm tra và phân loại khách hàng; thực hiện các biện pháp hỗ trợ kịp thời người trồng hồ tiêu; cơ cấu lại thời hạn trả nợ (gốc, lãi) cho các hộ vay bị thiệt hại theo hướng phù hợp; điều chỉnh giảm lãi suất/miễn, giảm lãi, thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau cho các hộ dân có thiện chí trả nợ.
Tại Đắk Nông và Gia Lai, hai địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất khu vực Tây Nguyên cũng như cả nước, dư nợ Agribank cho vay trồng, chăm sóc hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Gia Lai là trên 3.700 tỷ đồng, số khách hàng còn dư nợ gần 19.000 khách hàng.
Cùng với triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank cùng ngành ngân hàng tích cực triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu nền nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới…; tích cực, chủ động tham gia các chương trình chính sách đặc thù tại địa phương nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương, nhất là địa bàn nông nghiệp, nông thôn.