Áp dụng ISO 21001 nhằm nâng cao chất lượng giáo dục

Hiền Nguyễn

Để đáp ứng nhu cầu thường xuyên và thiết yếu của các tổ chức giáo dục trong việc đánh giá mức độ tổ chức giáo dục đáp ứng nhu cầu của người học và các bên quan tâm, bên hưởng lợi khác cũng như nâng cao năng lực của tổ chức giáo dục, Hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) cho tổ chức giáo dục 21001:2018 đã được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) ban hành.

Việc áp dụng ISO 21001:2018 bước đầu giúp FPT Edu cải tiến chất lượng vận hành trong nhiều hoạt động.
Việc áp dụng ISO 21001:2018 bước đầu giúp FPT Edu cải tiến chất lượng vận hành trong nhiều hoạt động.

ISO 21001 dựa trên hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 nhưng cung cấp yêu cầu chuyên ngành giúp tổ chức giáo dục có được mô hình hệ thống quản lý tối ưu, nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện sự hài lòng của người học, bên hưởng lợi, nhân viên và các bên quan tâm có liên quan và nhiều lợi ích khác.

Đây là một tiêu chuẩn về hệ thống quản lý độc lập được xây dựng theo cấu trúc cấp cao cho các tiêu chuẩn của ISO về hệ thống quản lý. Các yêu cầu cơ bản của tiêu chuẩn này cũng giống với ISO 9001 nhưng có những phần mang tính đặc thù cho tổ chức giáo dục. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn cũng cung cấp các hướng dẫn chi tiết hữu ích cho việc thực hiện một số yêu cầu đối với hệ thống quản lý chất lượng cho tổ chức giáo dục

ISO 21001 tập trung vào sự tương tác giữa tổ chức giáo dục, người học và các bên quan tâm có liên quan khác. Với quá trình giáo dục ngày càng tập trung nhiều hơn vào sự đồng sáng tạo nhằm cung cấp giáo dục có chất lượng trong môi trường thách thức mới, trong đó các mối quan hệ khách hàng – nhà cung cấp mang tính truyền thống dẫn được thay bằng quan hệ đối tác hợp tác.

Hệ thống quản lý chất lượng cho tổ chức giáo dục theo ISO 21001 được thiết lập dựa trên nền tảng 11 nguyên tắc, trong đó phải kể đến một số nguyên tắc mang tính đặc thủ của hệ thống quản lý chất lượng cho tổ chức giáo dục.

Điển hình như nguyên tắc hướng vào người học và các bên hưởng lợi khác. Theo đó, thành công bền vững đạt được khi một tổ chức giáo dục có thể giải quyết được yêu cầu của mọi người học, đồng thời thu hút và giữ được lòng tin của các bên hưởng lợi khác như người sử dụng lao động, cha mẹ và Chính phủ.

Tại Việt Nam, với sự phối hợp hỗ trợ kỹ thuật của Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), Đại học Bách khoa Hà Nội đã tiến hành triển khai áp dụng ISO 21001:2018. Đây cũng là trường đại học đầu tiên xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn ISO 21001:2018.

Theo chia sẻ của lãnh đạo nhà trường, việc tối ưu hóa hoạt động dạy và học, tinh giản các hoạt động cho phù hợp với xu thế phát triển giáo dục trên thế giới và phù hợp với thực tế hiện nay đòi hỏi cần phải áp dụng tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng cho tổ chức giáo dục. 

Tại FPT Edu, việc áp dụng ISO 21001:2018 bước đầu giúp FPT Edu cải tiến chất lượng vận hành trong nhiều hoạt động. Có thể nói, bước đầu triển khai theo bộ quy trình ISO 21001:2018 áp dụng cho khối đại học đã đạt được những thành công nhất định. Văn hóa chất lượng ngày càng được phổ biến sâu rộng đến tất cả các cơ sở, tất cả các đơn vị và cán bộ.

Chất lượng trở thành mục tiêu hướng đến đầu tiên, thường xuyên được nhắc đến, trao đổi tại các cuộc họp giao ban, khi lãnh đạo phê duyệt các kế hoạch, chương trình. Từng đơn vị, bộ phận cũng đã đưa ra được những đánh giá rủi ro, bám sát thực tế để hạn chế tối đa những tác động không mong muốn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.