APEC 2017 và 4 sáng kiến của Việt Nam về hợp tác tài chính

Hà Phương

Tài chính cho cơ sở hạ tầng; Xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận; Tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai; Tài chính toàn diện là 4 sáng kiến của Việt Nam về hợp tác tài chính trong năm APEC 2017. Điều đặc biệt, những sáng kiến này gắn liền với các trụ cột ưu tiên của Việt Nam trong năm chủ trì APEC, đồng thời triển khai chương trình hành động cụ thể của Kế hoạch hành động Cebu.

Những sáng kiến của Việt Nam về hợp tác tài chính được đánh giá là đảm bảo sự hài hòa về về lợi ích giữa các nền kinh tế thành viên.
Những sáng kiến của Việt Nam về hợp tác tài chính được đánh giá là đảm bảo sự hài hòa về về lợi ích giữa các nền kinh tế thành viên.

Theo đó, các sáng kiến của Việt Nam về hợp tác tài chính tập trung vào các vấn đề cụ thể sau: Thứ nhất, về đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng nhấn mạnh vai trò của cơ chế tài chính, đặc biệt là cơ chế chia sẻ rủi ro trong xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng (CSHT) thông qua hình thức đối tác công - tư (PPP) khả thi, qua đó thúc đẩy việc phát triển các dự án PPP trong khu vực.

Việt Nam và các nền kinh tế đang phát triển có nhu cầu đầu tư, phát triển CSHT và tăng cường xã hội hóa các dự án đầu tư CSHT ngày càng lớn. Trong đầu tư công, hình thức PPP sẽ giúp khu vực công giảm áp lực về vốn đầu tư, đồng thời tận dụng được kiến thức, kinh nghiệm và hiệu quả hoạt động của khu vực tư.

Thứ hai, về Xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) - các Tiêu chuẩn tối thiểu BEPS tăng cường các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao năng lực cho các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực APEC nhằm triển khai các gói hành động Tiêu chuẩn tối thiểu BEPS, do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng.

Thực tiễn cho thấy, BEPS là một vấn đề mang tính toàn cầu đòi hỏi phải có một giải pháp mang tính tổng thể trên cơ sở hợp tác đa phương trong khi khả năng ngăn chặn BEPS bằng các biện pháp đơn phương và song phương như hiện nay không khả thi, do số lượng các công ty đa quốc gia ngày càng tăng, quy mô lớn và giao dịch phức tạp.

Đặc biệt, BEPS còn giúp các nền kinh tế đang phát triển bảo vệ nguồn thu, duy trì và mở rộng cơ sở tính thuế. APEC 2017 sẽ tập trung thảo luận về các tiêu chuẩn tối thiểu BEPS, từ đó giúp nước chủ nhà và các nền kinh tế đang phát triển  học tập kinh nghiệm triển khai công cụ chính sách và hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp từ các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các nhà quản lý thuế của các nền kinh tế phát triển.

Thứ ba, về tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng các giải pháp tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai, trong đó bao gồm cả việc xây dựng Chương trình giải pháp tài chính rủi ro thiên tai và các mô hình đánh giá rủi ro thiên tai. Ưu tiên thảo luận chủ đề này là giúp các nền kinh tế APEC cải thiện năng lực chống chịu và ứng phó với rủi ro thiên tai thông qua việc phát triển các giải pháp tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai. Thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia sẽ giúp APEC thực hiện có hiệu quả các giải pháp tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai.

Thứ tư, về tài chính toàn diện tập trung thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về tài chính cho nông nghiệp, nông thôn. Nhìn chung, tại đa số các nền kinh tế đang phát triển, tài chính vi mô còn chưa thực sự phát triển, chất lượng dịch vụ và số lượng sản phẩm tài chính vi mô còn nhiều hạn chế. Việc tiếp cận các sản phẩm tài chính còn khó khăn do giá cả và thiết kế của các sản phẩm tài chính vi mô này chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người nghèo và người có thu nhập thấp tại khu vực nông thôn.

Do đó, các nền kinh tế thành viên tập trung bàn thảo, chia sẻ kinh nghiệm để tìm ra các giải pháp nhằm cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính trong khu vực nông nghiệp, nông thôn thông qua các phương thức dịch vụ tài chính mới như dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động, dịch vụ ngân hàng không chi nhánh, phổ cập kiến thức tài chính cho cộng đồng…

Như vậy, những sáng kiến của Việt Nam về hợp tác tài chính được đánh giá là đảm bảo sự hài hòa về về lợi ích giữa các nền kinh tế thành viên. Quan trọng là, những sáng kiến này đã giải quyết được các vấn đề cấp bách chung của cả khu vực như: Nút thắt về cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển bền vững; tình trạng trốn lậu thuế, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia; ứng phó với biến đổi khí hậu; vấn đề khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và dịch vụ tài chính trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.